Lấy lại mật khẩu
x

Ám ảnh họp phụ huynh vì có con học kém

12/05/2021 | Blacasa Education

Không chỉ phụ huynh có con học kém ám ảnh và đau đầu mỗi lần họp phụ huynh mà bản thân các em học sinh cũng sợ không kém. Vậy làm sao để tình trạng này không còn là nỗi lo của các bậc phụ huynh và các em học sinh?

Họp phụ huynh thường được tổ chức đầu mỗi năm học hay học kỳ mới để thông báo về kết quả học tập học kỳ, năm học cũ của con cũng như những kế hoạch trong giai đoạn mới. Những gia đình có con học giỏi, thành tích tốt thường không phải bận tâm đến việc này nhưng điều đó lại không hẳn đúng với những em học sinh hay phụ huynh có con học yếu, kém. Điều này vô hình chung là một gánh nặng đè lên tâm lý các em và phụ huynh. Đặc biệt là các em học sinh có kết quả học tập chưa tốt. Nhiều em rất sợ cảm giác sau khi cha mẹ đi họp phụ huynh về, sợ thầy cô báo với cha mẹ kết quả học tập của mình, sợ bị bạn bè và phụ huynh khác chê cười, sợ cha mẹ trách phạt,...Vì thế mà họp phụ huynh trở thành nỗi ác mộng của các em. Vậy làm thế nào để cải thiện?

Mở rộng suy nghĩ của bản thân

Là gánh nặng hay nhẹ là do bản thân mỗi người nhìn nhận, đánh giá tầm quan trọng hay mức độ ảnh hưởng của sự việc. Vì vậy, để buổi họp phụ huynh không còn là nỗi ám ảnh thì bản thân các bậc phụ huynh không nên quá nặng nề về học lực hay thành tích của con em mình. Dù kết quả ra sao thì quan trọng là hành trình rèn luyện của mỗi em đã cố gắng hết sức hay chưa, hoặc các môn học có phù hợp với các em hay không, môi trường lớp học, trường học có giúp các em phát triển những khía cạnh khác ngoài việc học văn hóa hay không,...

Đừng bắt con phải giỏi toàn diện

Điều này là cực kỳ khó, ngoài những em có khả năng học giỏi tất cả các môn thì không nói, còn lại đa số các em học sinh chỉ giỏi một hoặc một vài môn cùng tổ hợp khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên,... Phụ huynh nên xác định con mình giỏi một (hoặc một vài) môn cũng rất tốt rồi. Nhận ra và chú trọng cho các em phát triển học tập ở các môn ấy tốt hơn là muốn và ép con phải học cả những môn con không thích.

Con học kém đã phải chịu áp lực tâm lý rất lớn, phụ huynh không nên trách mắng

Đừng so sánh con mình với con nhà người ta

Việc so sánh của phụ huynh ít thì có thể là động lực để các em cố gắng "bằng bạn bằng bè", nhưng nhiều thì vô tình sẽ làm tổn thương đến con em mình, lâu ngày trở thành gánh nặng tâm lý, mất đi niềm tin của các em và chính bố mẹ mình, rằng bố mẹ luôn so sánh mình với bạn khác, không tin tưởng và hài lòng với mình và những gì mình đạt được, chỉ "đứng núi nọ trông núi kia",... Khi con học kém và thầy cô thông báo tình hình với phụ huynh thì có thể cha mẹ không vui, không hài lòng hay bực tức, nhưng bạn chỉ nên nói chuyện, trao đổi với con để biết được vấn đề con đang gặp phải, biết đâu bạn có thể giúp con giải quyết thay vì trách phạt, quát mắng. 

Phụ huynh cũng đừng lo việc kết quả học tập của con mình thấp hơn các bạn khác mà hãy nhìn vào quá trình học của con, con đã cố gắng hết sức và chăm chỉ đã là thành công rồi. Khả năng tiếp thu, tập trung của mỗi trẻ là khác nhau dù giáo viên có dạy như nhau. Thái độ học tập của con là quan trọng hơn cả. Bởi ngoài kết quả học tập ra thì con sẽ cần trang bị rất nhiều kỹ năng khác nữa mới có thể vững bước vào đời trong tương lai.
 
Khi con đạt điểm kém, con cũng đã đầy lo lắng, tuyệt vọng, sợ hãi rồi. Thái độ của bạn sẽ quyết định rất lớn đến tâm lý, nỗ lực của trẻ sau đó. Thay vì trách mắng thì bạn nên quan tâm, khuyến khích con làm tốt hơn vào những lần sau. Đó cũng là cách bạn dạy cho con tự tin đối mặt với mọi thất bại để thành công hơn. 
 

Đừng đánh con

Khi một đứa trẻ có kết quả học tập kém, điều tối kỵ là bố mẹ không nên đánh con. Việc con đạt điểm kém cũng đã là một tổn thương con phải chịu trong suốt quá trình học ở trường, lớp rồi, khi mà các bạn đều học tốt hơn. Lúc này, tình yêu của cha mẹ sẽ là điều trẻ cần nhất, để chữa lành vết thương cho trẻ. Thay vì đánh và làm tổn thương con, bố mẹ phải là nơi để con dựa vào.
 
Thêm vào đó, bố mẹ cũng nên lưu tâm đến các vấn đề ở trường lớp, rồi giáo viên của con xem liệu con có được môi trường học tập hay người thầy/ người cô tốt dìu dắt hay không. 
 

Động viên, khích lệ con dù kết quả như thế nào

Kết quả học tập của trẻ được tạo nên từ rất nhiều yếu tố. Nếu cha mẹ ít quan tâm hoặc môi trường học tập, bạn bè không tốt hoặc ảnh hưởng của tuổi, thay đổi tâm sinh lý sẽ tác động rất lớn đến không chỉ kết quả học tập mà cả tương lai sau này của các em. 
 
Thay vì quở trách con, mỗi phụ huynh hãy ở bên cạnh con để động viên, khích lệ sẽ giúp con mình tiến bộ hơn. Nếu con được điểm cao ở một số môn, trước tiên hãy khen con đã rồi nhìn vào bảng điểm, thứ hạng để “nhắc khéo” để con mình cố gắng hơn trong học kỳ sau ở những môn học có điểm chưa cao.
 
 
Khi con học kém thay vì trách phạt, phụ huynh nên khích lệ động viên con cố gắng hết sức trong những lần sau

Tôn trọng và đồng cảm với giáo viên

Giáo viên là người dạy con mình học tập nên cha mẹ tất nhiên cần tôn trọng giáo viên. Tuy nhiên khi thấy giáo viên có lời nói hay hành xử có thể ảnh hưởng đến con thì bố mẹ có thể gặp gỡ, đề nghị, góp ý chân thành trực tiếp với giáo viên hay ban giám hiệu nhà trường.
 
Ngoài ra, mỗi phụ huynh hàng ngày chỉ phải đối diện, tiếp xúc với con mình còn giáo viên thì phải đối mặt với rất nhiều học sinh trong lớp, thêm những áp lực khác và bản thân mỗi người đều muốn thúc đẩy học sinh của mình tiến bộ, nhưng đôi khi phương pháp không đúng thì phụ huynh hãy bình tĩnh, đặt mình vào vị trí người giáo viên để cùng nhau giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng.
 
Những điều này bạn hoàn toàn có thể trao đổi với giáo viên trong những buổi họp phụ huynh để những lần sau có thể khiến không khí buổi họp tốt lên.
 
Trên đây là những chia sẻ làm sao để giúp phụ huynh và học sinh không phải căng thẳng mỗi lần đi họp phụ huynh mà có con học kém. Hy vọng sau khi đọc bài viết bạn sẽ có cho mình thái độ đúng đắn, nhẹ nhàng, thấu hiểu cả con em mình và giáo viên để giúp mối quan hệ giữa gia đình - nhà trường - con cái được tốt hơn.