Lấy lại mật khẩu
x

Đi tìm nguyên nhân của hội chứng sợ toán và cách khắc phục

17/02/2022 | Blacasa Education

Kết quả nghiên cứu trên hơn 1,1 triệu học sinh ở nhiều nước trên thế giới cho thấy hội chứng Sợ toán gây ra bởi nhiều nguyên nhân nhưng điển hình là năng lực của giáo viên và sự ngẫu hứng trong giảng dạy.

Nếu bạn cảm thấy "toát mồ hôi" khi nghĩ đến các phân số hay phương trình toán học, thì bạn không hề cô đơn. Nghiên cứu cho thấy, hội chứng sợ toán, bao gồm những cảm xúc tiêu cực đối với môn toán, là hiện tượng được phát hiện trên toàn thế giới có thể làm suy giảm khả năng làm toán của người học.

Nếu một học sinh mắc hội chứng sợ toán thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập của bản thân học sinh đó và cả các bạn cùng lớp. Theo tờ The Guardian, một nghiên cứu lớn và đa dạng văn hóa nhất từ trước đến nay đã chỉ ra rằng tại gần một nửa các quốc gia trên thế giới, hội chứng sợ toán không chỉ làm ảnh hưởng đến kết quả học tập của một cá nhân mà còn gây hiệu ứng lan truyền trong môi trường học tập. Điều này không phụ thuộc vào mức độ lo lắng của từng học sinh với môn toán.

Một số nguyên nhân dẫn tới sợ học toán

Phát biểu về tình trạng này, tác giả của nghiên cứu, tiến sĩ Nathan Lau tại Đại học Tây Ontario (Anh quốc) cho biết: "Trạng thái cảm xúc của các học sinh khác trong môi trường học tập cũng làm ảnh hưởng tới kết quả môn toán của trẻ. Vì vậy, giáo viên, phụ huynh và các nhà hoạch định chính sách cần lưu tâm đến cả khả năng của trẻ mà và môi trường học tập mà trẻ đang theo học".

Nhiều người mắc hội chứng sợ toán gặp cảm giác khó chịu khi phải đối diện với những phép tính, từ căng thẳng nhẹ đến sợ hãi tột độ. Một vài người còn có các triệu chứng như tim dập nhanh, đổ mồ hôi hay cảm thấy ốm. Những người này thường cố gắng né tránh toán học trong cuộc sống thường ngày và không theo đuổi các ngành học liên quan đến khoa học, công nghệ hay kỹ sư.

Để hiểu thêm về mối tương quan giữa hội chứng sợ toán và môi trường học tập, tiến sĩ Lau và các đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu từ 1.175.515 học sinh quốc tế tham gia khảo sát về kết quả học tập. Nghiên cứu được công bố trên trang Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ cho thấy học sinh ở các quốc gia có mức độ lo âu cao với môn toán thường bị điểm thấp với môn học này.

Nguyên nhân lớn nhất gây ra hội chứng sợ toán là học sinh không tin tưởng vào khả năng của giáo viên. Theo nghiên cứu, những học sinh không tin tưởng vào khả năng của giáo viên thường cảm thấy lo lắng hơn khi đối diện với môn học này. Bên cạnh đó, số lượng bài tập về nhà nhiều và cách bố mẹ dạy con làm bài tại nhà cũng dẫn đến tình trạng lo âu ở trẻ với mức độ thấp hơn.

Tại một nửa các quốc gia được khảo sát, hội chứng sợ toán không chỉ làm ảnh hưởng đến kết quả học tập của một cá nhân mà còn gây hiệu ứng lan truyền trong môi trường học tập. Vì vậy, yếu tố bối cảnh cũng là nguyên nhân gây nên hội chứng sợ toán.

Tiến sĩ Lau cho biết: "Chương trình học tập càng cố định bao nhiêu, hội chứng sợ toán càng ít lan truyền bấy nhiêu. Nhóm nghiên cứu không khẳng định đây là một mối quan hệ nhân quả, nhưng có một giả thuyết là ở các quốc mà học sinh ít bị mắc hội chứng sợ toán, giáo viên có phương pháp dạy cố định hơn. Có thể các học sinh mắc hội chứng này thích học tập với chương trình cố định, ít ngẫu hứng với những việc như "bất thình lình" bị gọi lên trả bài".

Học sinh sợ học toán. Hình minh hoạ.

Giáo sư Margaret Brown, chủ tịch của tổ chức nghiên cứu về hội chứng sợ toán Maths Anxiety Trust cho biết: "Lần đầu tiên có nghiên cứu chỉ ra rằng hội chứng sợ toán không chỉ là vấn đề cá nhân làm ảnh hưởng đến kết quả môn học, mà còn liên quan chặt chẽ tới các yếu tố bối cảnh như sự tin tưởng của học sinh vào giáo viên, sự tự tin của giáo viên với khả năng của mình, số lượng bài tập về nhà và sự tham gia của bố mẹ khi dạy con làm bài tại nhà.

Hội chứng sợ toán ở mỗi quốc gia cũng khác nhau. Kết quả nghiên cứu ở Anh cho thấy học sinh cấp 2 bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hội chứng này và tác động từ nhà trường và gia đình đóng vai trò chủ yếu. Vì thế, kết quả học tập môn toán ở Anh có thể được cải thiện bằng việc thay đổi chương trình dạy học, phương pháp giảng dạy và hệ thống kiểm tra, đánh giá để học sinh, giáo viên và phụ huynh đỡ áp lực".

Giáo sư Denes Szucs, phó giám đốc Trung tâm Khoa học thần kinh trong giáo dục, Đại học Cambridge (Anh quốc) cho biết: "Bằng minh họa rõ ràng, nghiên cứu đã khẳng định một số điều chúng ta biết về hội chứng sợ toán". Đội ngũ của giáo sư Szucs gần đây đã phỏng vấn 1.700 học sinh ở Anh và thấy rằng nguyên nhân gây ra hội chứng này đến từ việc học sinh luôn nhận định toán là môn học khó so với các môn khác. Giáo viên cũng đóng vai trò quan trọng. Cụ thể, học sinh mắc hội chứng sợ toán thường cảm thấy hoang mang bởi các phương pháp dạy khác nhau.

"Điều quan trọng bây giờ là tìm giải pháp khắc phục", ông Szucs nhận định. Ở mức độ cá nhân, giáo sư khuyên các học sinh cần cố gắng trấn an bản thân và tự tin hơn với khả năng của mình. "Nghiên cứu ở Anh cho thấy những học sinh sợ toán không học kém mà chỉ cảm thấy lo lắng về môn toán. Có thể các em đã bị tác động bởi gia đình và nhà trường, nhưng đây là một nỗi lo không cần thiết".

Hội chứng sợ toán là gì?

Hội chứng sợ toán thường được định nghĩa là "cảm giác căng thẳng và lo lắng gây khó khăn cho việc vận dụng các con số và giải quyết vấn đề liên quan đến toán học trong học tập và cuộc sống thường ngày".

Mặc dù có nhiều số liệu khác nhau nhưng nghiên cứu cho thấy khoảng 2-6% học sinh trung học cơ sở ở Anh mắc hội chứng này ở mức độ nặng. 1/3 học sinh học nghề ở Anh mắc hội chứng ở mức "đáng lo ngại" và 19% học sinh có xu hướng lo âu nhưng không biểu hiện các dấu hiệu rõ ràng. Các học sinh nữ cũng có xu hướng lo lắng nhiều về môn học hơn là các học sinh nam và tình trạng này xảy ra bắt đầu từ độ tuổi vị thành niên.

Hội chứng sợ toán khác biệt với chứng khó học toán (dyscalculia), chứng bệnh gây ra những vấn đề của nhận thức trong việc hiểu các con số, diễn ra một cách cụ thể và dai dẳng. Tuy nhiên đôi khi hai hội chứng này cũng xảy ra đồng thời.

Hội chứng sợ toán không nhất thiết liên quan đến khả năng của người học. Một nghiên cứu vào năm 2018 chỉ ra rằng 77% học sinh mắc hội chứng này vẫn có thể đạt điểm cao trong môn học. Tuy nhiên, hội chứng có thể gây có khăn trong một vài tình huống và bối cảnh nhất định. Một nguyên nhân có thể lý giải cho hiện tượng này chính là những lo âu và ám ảnh có liên quan đến hội chứng sợ toán sẽ làm gián đoạn và ngăn cản các nguồn lực nhận thức cần thiết cho việc giải quyết các vấn đề toán học.

Trích nguồn từ báo điện tử Dân trí 

Tình trạng sợ học toán tại Việt Nam - ý kiến từ chuyên gia 

Chúng tôi có được cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Nam - Một chuyên gia giáo dục từ Tổ chức giáo dục Blacasa Việt Nam - về vấn đề sợ học toán tại Việt Nam và nhận được các chia sẻ rất đáng chú ý. Theo TS. Nguyễn Tuấn Nam, Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những quốc gia học toán tốt, chương trình toán phổ thông cũng khá nặng so với nhiều nước trên thế giới. Phụ huynh và xã hội cũng có nhiều thiện cảm với những học sinh học giỏi toán nên phong trào học toán và sự đầu tư của cha mẹ cũng rất cao cho môn toán. Bên cạnh nhiều bạn học sinh học giỏi toán thì có một bộ phận không nhỏ các bạn sợ học môn toán. Chưa có con số cụ thể về phần trăm, nhưng hằng năm tại Blacasa chúng tôi hỗ trợ hàng nghìn bạn trẻ mất gốc toán bằng cách cho gia sư dạy kèm, vì thế tôi hiểu rằng còn rất nhiều bạn học sinh sợ học toán nữa. 

Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Nam - chuyên gia giáo dục - đã giúp hàng nghìn bạn học sinh "sợ học toán" trở nên yêu môn toán và tự tin với môn toán.

Nhưng nhiều bạn chưa được quan tâm hoặc có cách để khắc phục kịp thời dẫn tới tình trạng "Sợ học toán" ngày càng nặng và dần dần mất gốc. Tại Việt Nam thì tôi bổ sung thêm một nguyên nhân nữa đó là kỳ vọng của bố mẹ và phụ huynh cao làm áp lực tâm lý lên học sinh. Mỗi học sinh có những thiên hướng khác nhau. Có bạn thích môn xã hội, có bạn thích ngoại ngữ, có bạn thích khoa học, cũng có bạn thích toán. Thế nên không nên lấy môn toán làm thước đo duy nhất cho khả năng học tập của học sinh. Nên đánh giá tổng thể. 

Tôi cũng đánh giá rất cao tầm quan trọng của môn toán, và bản thân tôi cũng là một học sinh chuyên toán. Tôi hiểu rằng học tốt toán mang lại rất nhiều lợi ích đặc biệt là khả năng tư duy. Khi đã có khả năng tư duy logic, hợp lý, biết phân tích thì áp dụng cho mọi lĩnh vực đều tốt chứ không chỉ dành cho các bạn sau này học khối kỹ thuật. Chẳng vì thế mà nhiều nước trên thế giới đưa 3 môn Toán, Tiếng Anh, và Công nghệ trở thành 3 môn học nền tảng cho tương lai.

Cách khắc phục nếu con bạn sợ học toán

Toán học là môn học theo tôi là dễ dạy học. Tưởng khó nhưng thực ra, toán nó rất logic, nên một khi học sinh đã hiểu bản chất, nắm được cơ bản tốt thì dạy rất nhàn. Những bài toán nâng cao thì yêu cầu tư duy cao hơn, nhưng với những kiến thức toán cơ bản, đạt yêu cầu như trong chương trình phổ thông thì theo tôi rất dễ dạy. Để khắc phục tình trạng con sợ học toán phụ huynh có thể tham khảo một số điều lưu ý sau.

Tìm hiểu nguyên nhân

Phải biết được con sợ toán vì sao. Dựa trên kinh nghiệm nhiều năm qua tôi nhận thấy đa phần các bạn sợ học toán vì các bạn đã bị hổng kiến thức một phần nào đó và không theo kịp một số phần thầy cô giảng. Trong khi việc kiểm tra, so sánh điểm số ở trường còn rất phổ biến thì học sinh có xu hướng che giấu những gì mình không biết hoặc không dám nói ra. Đặc biệt là với các học sinh cấp 1 và cấp 2. Phụ huynh tuyệt đối không được tỏ ra bực bội hay tức giận thì thấy điểm số toán của con kém hoặc ngại học toán. Thay vào đó là hãy nhẹ nhàng, bình tĩnh tâm sự cùng con để con nói ra những gì mà con chưa hiểu hoặc lo sợ môn toán.

Cách giúp con mất gốc toán 

Môn toán nói riêng hay các môn học khác nói chung, đã mất gốc thì phải rà soát lại và bổ sung ngay từ những cái nhỏ nhất, vì nếu không càng học càng khó và càng hổng. Để làm được điều này thì cần có một người ngồi lại cùng con rà soát. Nếu thầy cô giáo trên trường có thời gian giúp con thì tốt nhất, nếu không cha mẹ cũng có thể giúp con (nếu cha mẹ có thể). Hoặc đơn giản nhất là thuê một gia sư có kinh nghiệm về dạy con. Với những bạn mất gốc thì tôi cho rằng học gia sư là hiệu quả nhất. 

Trong khi học cần rà soát cẩn thận và chi tiết tất cả những gì học sinh còn hổng. Lên lộ trình và bổ sung lại kiến thức hổng đó. Cha mẹ cũng cần phải đồng hành chia sẻ cùng con vì giai đoạn con hổng kiến thức thì thường tự ti, không dám chia sẻ. Hãy thật cởi mở và thoải mái để con nói ra hết thay vì phải che đậy vì sợ.

Cách học toán hiệu quả

Học toán rất cần cho học sinh thấy được logic và mối liên hệ thì mới hiểu và nhớ lâu. Nếu chỉ học theo công thức thì thực sự nhàm chán và rất khó học. Học toán nói riêng hay học các môn tự nhiên thì cần phải thực hành nhiều để ôn luyện kiến thức và áp dụng được rộng rãi. Theo tôi  có một số kinh nghiệm học toán như sau:

  • Chậm và chắc ban đầu: toán rất cần nền tảng, thà chậm ban đầu còn hơn nhanh mà không vững. 
  • Hãy học toán một cách thú vị: bằng cách áp dụng vào thực tế vào các môn học khác hoặc tìm những ứng dụng của toán học mà học sinh có thể trải nghiệm.
  • Học đi đôi với hành: phải luyện tập nhiều, làm bài tập để củng cố kiến thức. Ngoài ra nên tìm đa dạng đề. Không nên làm bài quá khó khi mà những kiến thức cơ bản chưa chắc. Điều đó sẽ làm học sinh cảm thấy khó khăn và chán nản.

 Rất cảm ơn Tiến sĩ!

Thương Mỹ - BTV Tổ chức giáo dục Blacasa Việt Nam