Lấy lại mật khẩu
x

Giáo dục mầm non tại Singapore – chia sẻ từ một mẹ Việt

22/05/2017 | Blacasa Education

Chia sẻ cá nhân gây bất ngờ từ một mẹ Việt về chương trình học mẫu giáo ở Singapore. Chúng ta thường hay than thở về giáo dục mẫu giáo ở Việt Nam quá nặng kiến thức, nhưng có thực sự vậy nếu so với Singapore - một nước có nền giáo dục rất phát triển?

Mình tên là Lan Anh, hiện đang sống và làm việc tại Singapore. Cùng 2 bé Bebe 6 tuổi và Bonbon 3 tuổi, vợ chồng mình đã trải qua những năm tháng êm đềm bên nhau, cùng nhau nuôi dạy con cái mỗi ngày. Vì cả 2 vợ chồng mình đều đi làm, nhà không có người giúp việc nên 2 bạn nhỏ nhà mình đều được đi học từ sớm và 2 chị em học cùng trường với nhau.

Bé được làm quen với chữ từ rất sớm

Từ lúc chưa đến 3 tuổi như Bonbon, con đã được cô cho làm quen với bảng chữ cái. Hay lên 6 tuổi như Bebe, con đã được học về vòng tuần hoàn của cây, của bướm, các loại cây cỏ, chu trình để có bánh mỳ hay bây giờ con đang học về dải thiên hà, mặt trăng, mặt trời, trái đất, các hành tinh, động đất thậm chí là cả về mức độ nguy hiểm của bão… Mỗi tuần, các bé đều có bài tập về nhà gồm 3 bài toán và 1 bài đọc (1 quyển sách nhỏ) rồi trả lời các câu hỏi được ghi ra giấy.

Hình minh họa: trẻ em ở Singapore được làm quen với chữ từ rất sớm và được học rất nhiều môn học khác nhau. Hình sưu tầm.

Bên cạnh đó, các bạn nhỏ được học 2 ngôn ngữ khi ở trường là tiếng Anh và tiếng Trung. Bebe có thể nói tốt tiếng Trung với cô giáo mặc dù ở nhà vợ chồng mình không ai nói được tiếng Trung, mà chỉ giao tiếp với con hoàn toàn bằng tiếng Việt. Nghe thì thấy thật thích nhưng cá nhân mình lại không quá đặt nặng vấn đề học như thế!

Nhớ hồi đi họp phụ huynh lúc con 4 lên 5 tuổi, cô nói mình cho con gái đi học thêm tiếng Trung vì con kém hơn so với các bạn ở lớp. Vợ chồng mình cũng chia sẻ quan điểm gia đình mình, mong muốn của chúng mình là con đến trường để vui chơi, yêu trường yêu lớp yêu cô yêu bạn, chứ không ép con học. Quan điểm gia đình mình có phần khác so với rất nhiều phụ huynh người Singapore tại đây khi họ muốn con làm quen thật nhiều với kiến thức để khi vào lớp 1 là con biết đọc biết viết cả đoạn văn rồi.

Những áp lực vô hình lên con

Gia đình mình vừa cùng nhau có chuyến du lịch ở Úc, trước đó 1 tuần Bebe lại bị ốm, vậy là tổng 3 tuần con không được học ở trường. Khi quay trở về Sing, Bebe có biểu hiện rất lạ. Con không thích đi học, không muốn đến trường và khóc lóc kêu ốm mệt, đau bụng,vv.

Điều này thật khác với hình ảnh một cô bé rất thích đến trường, yêu bạn, yêu cô. Mình cho con gái đi khám, bác sĩ kiểm tra thì không có dấu hiệu gì như ruột thừa hay viêm cả. Sự việc cứ kéo dài như vậy đến hơn một tuần, con không muốn đi học, kêu con mệt, ốm, đau bụng, bị ọe ở trường và đòi đến cơ quan mẹ làm việc.

Mãi về sau, Bebe mới tiết lộ với bố là con có bài kiểm tra tiếng Trung ở trường, mà con không hiểu, không có tờ giấy làm bài. Vợ chồng mình đã tìm cách động viên con, kết hợp với cô giáo để động viên tinh thần cho con nhưng vì còn nhỏ, chưa có hướng giải quyết rõ ràng như người lớn nên con vẫn sợ.

Một lần nữa Bebe lại kêu đau bụng và biểu hiện sợ đi học. Mình quyết định đưa con qua gặp bà bác sĩ quen của gia đình, nơi mà con quen thuộc và hay được đi khám khi bị ốm.

Mình có nói với bác sĩ về biểu hiện của con, mình nghĩ con bị stress, một điều rất lạ với một bé gái mới chỉ 6 tuổi như con mình vì đối với chúng ta, tuổi mẫu giáo chỉ là chơi thôi. Con gái mình cũng có phần nhạy cảm nữa! Và cuộc trao đổi giữa bà bác sĩ và cô gái nhỏ đã khiến mình lặng người!

Cuộc nói chuyện với bà bác sĩ

Bác sĩ hỏi con có thích học K1 (Mẫu giáo nhỡ) không? Con trả lời con thích nhưng đến K2 (Mẫu giáo lớn) thì con không thích. Bác sĩ hỏi cô giáo có quát mắng con không, có bạn nào trêu chọc con không? Con trả lời là không, con yêu cô, và thích chơi với các bạn.

Bác sĩ hỏi con có nhiều bài tập không, có bị điểm kém không? Lúc đó con trả lời là con có bị điểm kém và không hiểu bài, trong khi các bạn đều biết hết, con không dám nói với cô giáo, bị sợ cô… Con muốn mẹ dạy con học, ngồi bên con giảng bài cho con, nhưng mẹ luôn bận, buổi tối con mong mẹ học cùng con nhiều hơn.

Hình minh họa: rất nhiều phụ huynh người Singapore đặt nặng vấn đề học  hành làm cho trẻ dễ bị quá tải. Hình sưu tầm.

Mình im lặng trong suốt đoạn hội thoại nhưng nói đến đây thì nước mắt mình đã lăn, vì bận đi làm, bận nội trợ và chăm hai bạn nhỏ nên mình quả thực không có nhiều thời gian riêng cho con. Mỗi tối mình bố trí đọc sách kể chuyện cho con nghe được 15 – 20 phút, có tối có có tối không. Công việc của chồng mình cũng bận, anh cũng giảng và học cùng con khi có bài tập về nhà vào thứ 6 chứ bình thường chúng mình vẫn để con tự chơi.

Bác sĩ quay ra mình và nói, tôi có 2 đứa con, 28 tuổi và 26 tuổi, từ lúc chúng nhỏ tôi đã dành ít nhất 30 phút riêng mỗi ngày để học và chơi cùng con, đồng hành cùng con trong quá trình trưởng thành. Cô hãy dành cho con nhiều thời gian hơn nhé! Cám ơn bà bác sĩ tốt bụng rất nhiều!

Cô hiệu trưởng trường con

Sau cuộc gặp với bà bác sĩ, vợ chồng mình hẹn gặp Mrs Ong, cô hiệu trưởng trường con, một cô giáo nhiều năm gắn bó với nền giáo dục và rất có tâm với nghề. Chúng mình trao đổi với cô về quan điểm, những khúc mắc, cách giải quyết và mong có sự hợp tác giữa nhà trường và gia đình.

Cô xin lỗi vì hệ thống giáo dục ở Singapore quá nặng, nhiều phụ huynh yêu cầu con phải biết nhiều điều, học được thật nhiều nên các cô cũng theo vòng xoáy giáo án như vậy.

Mình cũng nói đó là lỗi của bản thân mình, mình sẽ dành nhiều thời gian cho con hơn, lắng nghe con, chơi cùng con, học cùng con vì con cũng chuẩn bị lên lớp 1, bước đánh dấu quan trọng của tất cả các bạn nhỏ.

Vậy là cô đưa ra đề xuất, bây giờ cô giáo sẽ không chấm điểm Bebe nữa mà chỉ đánh dấu là đã làm bài, bài nào con không hiểu thì cô giáo sẽ dành riêng 10 – 15 phút giảng riêng cho con, cô cho con chơi cùng nhóm bạn thân và lắng nghe ý kiến, suy nghĩ của con. Bebe rất quý cô giáo nên hay kể cô nghe về cảm nhận của bé.

Khi mình viết ra những dòng chữ này thì mọi việc đã được giải quyết xong cách đây vài ngày. Bebe lại là cô bé vô tư, háo hức đến trường, vui đùa cùng bạn, kể chuyện ở trường cho bố mẹ nghe, con yêu cô và con thích bạn!

Cũng như biết bao bậc phụ huynh khác, chúng mình cũng đang trên hành trình học làm cha mẹ, có nhiều bỡ ngỡ, có nhiều lần mắc lỗi. Mình tự nhận mình sai khi không dành nhiều thời gian cho con, nếu đổ lỗi cho hoàn cảnh cuộc sống, cho công việc thì chỉ là ngụy biện. Nhưng mình tin rằng, việc kết hợp giữa gia đình và nhà trường, lắng nghe con, quan sát con mỗi ngày sẽ khiến từng bước trên đường đời của con thêm ý nghĩa. Và vợ chồng mình luôn cố gắng làm tất cả mọi điều tốt nhất cho con!

Lan Anh

Từ Singapore