Lấy lại mật khẩu
x

Học sinh mất gốc thời covid, những sai lầm phụ huynh nên tránh khi cho con học thêm

14/02/2022 | Blacasa Education

Học online lâu dài dẫn đến nhiều học sinh mất gốc kiến thức. Vì lo lắng nên nhiều phụ huynh đã có lựa chọn học thêm chưa phù hợp làm tốn tiền bạc và thời gian của con, thậm chí gây thêm căng thẳng.

Bài viết là chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Nam, đồng sáng lập Tổ chức giáo dục Blacasa Việt Nam. 

Những ngày qua tôi nhận được rất nhiều những cuộc gọi điện của phụ huynh mong muốn được tư vấn cách giúp con học tốt hơn sau một thời gian dài dịch bệnh. Tất cả đều xuất phát phát từ thực tế các con học online lớp đông hiệu quả chưa cao. Những thói quen học tập được xây dựng trong nhiều năm đã phần nào bị mất đi thay vào đó là một cách học mới mà đa phần là học online. 

Hậu quả là rất nhiều học sinh bị mất gốc mặc dù nhà trường và thầy cô đã giảm tải chương trình học đi khá nhiều cũng như linh động hơn trong việc đánh giá các con. Tuy nhiên lỗ hổng kiến thức dần bị phơi bày khiến nhiều phụ huynh lo lắng và đăng ký cho con học thêm để bù đắp lượng kiến thức. Tuy nhiên nhiều phụ huynh chưa xem xét kỹ dẫn đến việc học thêm không những không mang lại hiệu quả mà còn mất thời gian của các con, gây thêm căng thẳng.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực giáo dục cũng như giúp đỡ hàng nghìn bạn học sinh đã mất tìm lại được sự tự tin và yêu thích môn học, tôi xin chia sẻ một số điều mà phụ huynh cần phải biết. 

Các vấn đề chính với học sinh trong giai đoạn dịch bệnh

Mất gốc kiến thức

Mất gốc kiến thức (hổng kiến thức) là tình trạng phổ biến nhất với học sinh trong thời gì học online vì covid. Thường là chỉ những bạn nào có khả năng tự học hoặc được hỗ trợ tốt trong giai đoạn dịch bệnh mới có thể nắm được chắc các kiến thức trong sách giáo khoa (vốn dĩ cũng khá nặng ngay cả thời kỳ trước dịch). Biểu hiện là học sinh có thể không nắm bắt được một hoặc nhiều phần kiến thức cơ bản. Thậm chí nhiều bạn cũng không biết rằng mình bị hổng các kiến thức nào vì công tác đánh giá chất lượng bị nới lỏng cũng như nội dung giảng dạy bị giảm tải. Thế nhưng nên nhớ những kiến thức cơ bản này sẽ liên quan tới những lớp tiếp theo, nếu không nắm vững thì càng lên trên càng khó học. Giống cái cây nếu không có gốc đủ chắc khoẻ thì một ngày nào đó sẽ đổ.

Mất phương hướng học tập 

Do việc học online không hiệu quả, không được sự tư vấn thường xuyên của thầy cô nên nhiều bạn bị mất phương hướng. Việc học online yêu cầu học sinh phải tự giác và biết cách sử dụng tài liệu học nên nhiều bạn không quen và chưa biết nên học thế nào. Việc học là hoàn toàn thụ động và cầm cự.

Học sinh cũng không biết nên bắt đầu lại từ đâu và như thế nào vì không có người để rà soát lại từ đầu. Trên lớp các thầy cô vẫn phải cố gắng chạy cho đủ chương trình nên không có đủ thời gian hỗ trợ từng bạn.

Tâm lý bất ổn 

Do không được gặp gỡ giao tiếp với bạn bè nên rất nhiều học sinh có tâm lý bị ức chế, bất ổn. Khác với người lớn đã quen với áp lực và khả năng kiềm chế bản thân. Học sinh đa phần ở độ tuổi đang phát triển nên chưa quen với áp lực và phải tự giải quyết vấn đề một mình nên nhiều bạn đang gặp bất ổn tâm lý. Một thống kê giật mình chỉ ra rằng 23% học sinh được khảo sát nghĩ tới việc tự tử khi học trực tuyến kéo dài.

Cha mẹ có thể làm gì để giúp con?

Hơn lúc nào hết cha mẹ đóng vai trò quyết định trong việc giúp con vượt qua các khó khăn giai đoạn này. Việc buông lỏng hoặc quan tâm chưa đúng cách giai đoạn này có thể phải trả giá đắt mai sau. Tâm lý nhà ai cũng thế làm nhiều cha mẹ mặc dù biết vấn đề nhưng chủ quan và trì hoãn việc hỗ trợ con ngay.

Dành thời gian cho con nhiều hơn

Do giao tiếp xã hội bị mất đi nhiều nên cha mẹ cần bù đắp điều đó cho con. Cần dành thời gian nhiều hơn để nói chuyện, tâm sự cùng con. Chơi cùng con và cho con đi ra  ngoài an toàn là một điều hết sức quan trọng. Tôi đã thấy nhiều gia đình có xe hơi nhưng chỉ đưa con đi quanh quẩn vài nơi trong thành phố ngột ngạt. Tại sao không cho con ra ngoại thành với nhiều thiên nhiên hơn, để con có thể vận động và giải tỏa stress?

Các cha mẹ cũng có thể biến những khoảng thời gian sau khi đi làm để ở nhà và cùng con làm gì đó. Đây là khoảng thời gian vàng để mọi người gắn kết nhau hơn. Với những học sinh cấp 1 và cấp 2, cha mẹ cũng có thể cùng con xem lại kiến thức. Nếu có khả năng thì cha mẹ có thể dạy con, học cùng con. Đó là điều tốt nhất.

Lựa chọn hình thức hỗ trợ học tập phù hợp

Đa phần cha mẹ sẽ không có đủ kỹ năng và kiến thức để dạy các con cấp 2, cấp 3. Vì vậy cần một sự hỗ trợ bên ngoài là điều dễ hiểu. Tuy  nhiên lựa chọn hình thức nào là điều nhiều cha mẹ chưa biết. Với kinh nghiệm nhiều năm hỗ trợ học sinh tôi nhận thấy rằng.

Với những học sinh đã mất gốc học kiến thức không đồng đều hoặc mất một phần kiến thức nào đấy thì bắt buộc cần phải được bổ túc lại nền tảng kiến thức đấy trước khi học kiến thức mới. Và việc đầu tiên đó là xem lại hệ thống kiến thức cơ bản. Cái này mỗi một học sinh sẽ gặp các vấn đề khác nhau nên cần làm riêng cho mỗi học sinh. Sau khi biết học sinh bị mất gốc phần nào thì phải bổ túc lại để nền tảng kiến thức được vững chắc.

Vì vậy sẽ thật sai lầm nếu cha mẹ cho con đi học thêm lớp đông. Lớp trên 8 người đã là rất khó học với các bạn mất gốc cho dù thầy cô có giỏi đến mấy. Cha mẹ có thể xem xét việc thuê gia sư dạy con giai đoạn này. Gia sư sẽ lên lộ trình kiểm tra lại kiến thức của con, bổ túc các kiến thức bị hổng và còn giúp con có thêm một người bạn để chia sẻ vui buồn. Việc học gia sư chi phí cũng không quá đắt đỏ so với học trung tâm, chỉ cần một bạn gia sư sinh viên giỏi đã là rất tốt. Gia sư sinh viên nên độ tuổi cũng gần hơn với các con, có thể dễ dàng làm bạn.

Phụ huynh cũng lưu ý việc thuê gia sư cho con thì cần phải xem gia sư có lộ trình bàn bản không, có báo cáo học tập đầy đủ không. Trong quá trình con học gia sư, phụ huynh cũng cần phải theo dõi chất lượng các buổi học và hỏi con xem có phù hợp không.

Gia sư là hình thức học hiệu quả giúp con củng cố lại kiến thức nhanh. Không những thế các gia sư sinh viên trẻ có thể giúp con có thêm một người bạn để chia sẻ trong giai đoạn đặc biệt này.

Học thêm ít hơn nhưng chất lượng hơn

Một sai lầm nữa là cha mẹ bắt con đi học thêm quá nhiều. Nên nhớ việc phải học online hoặc phải học kết hợp online và offline là hết sức mệt mỏi, việc bắt con học thêm nhiều sẽ làm con thêm kiệt quệ cả về sức khỏe và tinh thần. Tốt nhất là 2 buổi/tuần hỗ trợ các môn thực sự mất gốc. 

Đừng ham học phí rẻ

Giai đoạn covid khiến kinh tế gia đình bị ảnh hưởng nặng nề nên chi tiêu cần phải thắt chặt. Thế nên nhiều phụ huynh có khuynh hướng tìm khóa học giá rẻ nhất. Nắm bắt được điều này, nhiều người đã tạo ra các khóa học giá rẻ chất lượng thấp để thu hút phụ huynh. Rất khó để đánh giá thế nào là chất lượng nên phụ huynh không nhận ra và được an ủi phần nào rằng con đang đi học thêm, không ít thì nhiều sẽ tiến bộ.

Nhưng không phải, trong giáo dục, chất lượng luôn là quan trọng nhất. Dù chỉ hơn nhật một chút thôi đã thay đổi hoàn toàn. Và để đảm bảo được điều kiện chất lượng thì mức giá cũng ở một mức đủ. Giáo dục chất lượng kém không chỉ mất tiền mà còn làm vấn đề của học sinh trầm trọng hơn. 

Kết luận

Đây là giai đoạn quan trọng thể hiện sự hiểu biết và quan tâm của cha mẹ. Hãy dành nhiều thời gian bên cạnh và hỗ trợ con. Về học tập, hãy lựa chọn thật kỹ các hình thức học thêm, cẩn thận với các lớp học đông hoặc giá rẻ. Có thể tham khảo việc thuê một gia sư tốt về dạy con. Con không chỉ được ôn luyện bổ túc lại mà còn có thêm một người bạn trong giai đoạn đặc biệt quan trọng này.