Lấy lại mật khẩu
x

Làm việc với người Nhật

25/04/2017 | Blacasa Education

Mặc dù vậy điều tôi thực sự ngưỡng mộ là tính cộng đồng và tầm nhìn rất xa của người Nhật. Họ luôn có kế hoạch năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm và xa hơn rất nhiều. Và việc họ làm ở hiện tại mình có thể thấy chẳng có nghĩa lý gì nhưng càng làm càng hiểu họ đang đặt từng viên sỏi cho tương lai phía trước.

Sau bốn năm học tiếng Nhật và ra trường đi làm gần 6 năm, tôi cũng đã có gần 10 năm kinh nghiệm làm việc với người Nhật. Tôi đã từng nghĩ sẽ không làm cho công ty Nhật nữa nhưng rồi vì chữ duyên mà cuối cùng tôi vẫn gắn bó và làm việc gần 4 năm tại một trong những tập đoàn thương mại lớn nhất của Nhật tại Việt Nam. Trải nghiệm với tôi có cả những điều thú vị, những điều hay nhưng cũng có những điều làm tôi trăn trở thậm chí cảm thấy sốc. Dù sao tôi cũng muốn chia sẻ về tất cả những trải nghiệm ấy.

Kiên trì, tận tâm, cẩn thận

Hồi năm 3 đại học là tôi đã bắt đầu đi làm thêm tại các cửa hàng Nhật để rèn luyện thêm vốn ngoại ngữ của mình. Công việc part-time đầu tiên là làm phục vụ bàn tại quán Kamon chuyên về bánh xèo của Nhật. Quán chuyên về đồ ăn trưa nên hầu như khách Nhật chỉ tập trung ăn rất nhanh nên những bài học đầu tiên về giao tiếp của tôi vẫn chỉ là quẩn quanh: Xin chào, cảm ơn, order món, tính tiền… Vẫn nhớ lương của một tháng lúc đấy là khoảng 500,000 VND nhưng tôi đã học được những điều rất mới mẻ đầu tiên về người Nhật. Sau đấy tôi chuyển qua làm cho quán Sushibar trên đường Kim Mã và làm ca tối vì buổi tối khách Nhật đi ăn thường uống rượu và chuyện trò nhiều hơn.

Tôi nhớ gần 2 tháng tôi làm việc đều đặn từ 5h chiều đến khi hết khách có hôm đến tận 11h đêm. Hôm nào vắng khách thì tôi tranh thủ ghi từ mới ra giấy vừa làm vừa học. Quá trình này tôi cũng học được rất nhiều về văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Thỉnh  thoảng các anh đầu bếp lại gọi tôi vào để thử các món mới nên tôi cảm thấy rất thú vị. Buổi tối khi tôi chuẩn bị rượu sake cho khách thường hoặc uống sake nóng hoặc uống lạnh thì tôi lại tranh thủ dùng tiếng Nhật để chuyện trò với khách. Tiếng Nhật của tôi lúc này mới chỉ rất cơ bản nhưng khách Nhật đặc biệt là những khách lớn tuổi khi biết tôi là sinh viên đi làm thêm thì cũng chịu khó nói chậm và hỏi tôi những câu đơn giản nên sau một thời gian tôi thấy khả năng nghe nói của mình tăng lên rất nhanh và nhất là thêm tự tin và tình yêu cho thứ ngoại ngữ khó này.

Phân biệt đối xử giữa ông chủ và người làm thuê

Hè năm 3 tôi đi thực tập ở Hòa Bình vào nhà máy làm thấu kính của Nhật. Tôi xin làm không lương 01 tháng. Khoảng thời gian này tôi hoàn toàn bị vỡ mộng khi quan sát cách các ông chủ người Nhật đối xử với công nhân Việt Nam. Tôi sống cùng công nhân nhưng làm việc ở văn phòng cùng quản lý người Nhật nên sự phân biệt là vô cùng rõ rệt. Nhất là với những sinh viên được học từ trường lớp như tôi với đủ những thứ tốt đẹp, thú vị về Nhật Bản, đất nước con người và văn hóa thì trải nghiệm thực tế này quả thật là một cú sock văn hóa vô cùng lớn. Những câu chuyện về bữa cơm 8,000 VND với 2 bó rau muống và 4 bìa đậu ngược lại đấy là những bữa ăn thừa mứa và đủ đầy của các nhân viên người Nhật hay quản lý cấp cao với tôi vẫn là sự ám ảnh lúc bấy giờ.

Ăn nhanh, đi nhanh, làm nhanh

Năm tư tôi bắt đầu nhận việc đi dịch ở khu công nghiệp. Hồi đầu tôi chỉ dám nhận dịch những công việc đơn giản chủ yếu liên quan đến hành chính hay một số hợp đồng gia công truyền thống càng về sau thì các công việc liên quan đến chuyên môn độ khó cũng tăng dần. Tôi vẫn rất sợ mỗi lần nhận dịch cho đội chuyên gia những người Nhật già thuộc thế hệ cũ vì họ hoàn toàn không dùng tiếng Anh mà nguyên tắc làm việc thì vô cùng cứng nhắc và khó tính. Tôi nhớ về bài học tôi nhận dịch cho một đội chuyên gia về làm bia khi ký hợp đồng gia công bia Nhật tại Việt Nam. Hôm đấy do tắc đường tôi đến khách sạn trễ giờ đúng 1 phút so với lịch hẹn thì thì đội chuyên gia đã lên ô tô và xuất phát luôn rồi. Thế là tôi phải đi xe máy lên khu công nghiệp (KCN) gần 20km. Lên đến KCN bác quản lý bảo tôi rằng: Cháu có biết dây chuyền dừng 1 phút thì thiệt hại mất bao nhiêu không vậy nên các bác không thể đợi cháu được. Và bài học đấy đến giờ tôi vẫn không bao giờ quên khi làm việc với người Nhật.

Một lần khác tôi đi dịch về chuyển giao công nghệ cáp quang ở Hưng Yên. Bác chuyên gia tôi dịch tầm 50 tuổi nhưng cực kỳ nóng tính. Vốn từ chuyên ngành về cáp quang chủ yếu toàn từ chuyên môn với các từ kỹ thuật khó nên nhiều câu tôi nghe không hiểu hết nên khi dịch và truyền đạt lại cho công nhân không tốt. Đến lúc máy gặp sự cố bác càng nóng tính làm tôi e dè sợ sệt vô cùng vừa dịch vừa run vì sợ mình dịch sai thì sự cố hỏng hóc càng lớn. May mắn là cuối cùng máy móc cũng chạy được suôn sẻ. Sau đợt dịch đấy bác lại tặng tôi cây bút và cảm ơn tôi vì đã giúp đỡ, hỗ trợ trong thời gian qua. Cây bút đấy tôi rất quý dùng mãi đến khi hỏng mới thôi. Thế cũng mới thấy rằng đằng sau sự nghiêm túc, khó tính, cần cù và nhẫn nại, những thế hệ người Nhật già đấy cũng có một trái tim rất lớn, biết cảm thông và chia sẻ. Nhờ những ngày tháng đấy mà tôi rèn được tác phong: Ăn nhanh, đi nhanh và làm nhanh. Đi dịch khu công nghiệp cả ngày đi đi lại lại cả chục vòng nhà máy nếu không đi nhanh  và không có sức khỏe tốt thì khó có thể theo kịp những người Nhật dù họ ở tuổi 70 hay 80.

Hình minh họa: tác phong người Nhật. Ảnh sưu tầm.

Ra trường tôi chủ yếu đi làm bằng tiếng Anh, tiếng Nhật ít được dùng hơn nên cũng bị mai một đi nhiều. Tôi cố gắng duy trì tiếng Nhật bằng việc đi dạy tiếng Việt cho những người Nhật sang Việt Nam làm việc. Tôi vẫn rất ấn tượng với bác học trò làm tổng giám đốc một công ty lớn của Nhật nhưng rất chăm chỉ và chịu khó học tiếng Việt. Mỗi cuối tuần tôi và bác lại ngồi học ở Highland Café, tôi hầu như chỉ chỉnh lại âm cho bác còn bác tự học là chủ yếu. Một hôm khi bác phải đi phát biểu cho một chương trình mà công ty bác tài trợ cho Việt Nam, bác bảo tôi bác muốn phát biểu bằng tiếng Việt và yêu cầu tôi đọc bài phát biểu để bác thu âm lại và đồng thời sửa âm cho bác khi bác đọc. Đến hôm tôi thấy bác phát biểu trên tivi bằng tiếng Việt một cách trơn tru, mạch lạc và rõ ràng thì tôi thấy thật vô cùng xúc động. Tôi lại học được rằng dù các bác Nhật sang đây nhiệm kỳ cũng chỉ khoảng 4 năm, có khi đến lúc dùng được tiếng Việt lại phải về nước nhưng tinh thần học hỏi và nỗ lực không ngừng của người Nhật bất kể tuổi tác thật đáng trân trọng vô cùng.

Áp lực công việc

Nhưng dĩ nhiên thời gian làm việc với người Nhật cũng có những mặt trái khiến tôi không ít lần chán nản. Tôi nhớ một lầm đi làm thị trường với một bác Nhật từ Bắc vào Nam gần 10 ngày. Đến ngày cuối công việc xong xuôi đi ăn tối ở Hồ Chí Minh thì sau đấy chúng tôi có vào quán hát karaoke của người Nhật. Lúc đấy mới biết cảnh các “em gái” phục vụ là như thế nào. Và tôi cũng lại mới phát hiện thế giới đằng sau công việc của người Nhật không nghiêm túc và đạo mạo như tôi vẫn nghĩ. Vì quá nhiều áp lực công việc nên đời sống tinh thần của người Nhật thực sự là bất ổn và “lệch lạc” theo một nghĩa nào đấy. Đợt đi công tác Quảng Ninh tôi gặp phải đồng nghiệp người Nhật lần đầu sang Việt Nam có trận say tưng bừng khói lửa cùng với những hành động quá khích, có thể nói là 1 đêm “hãi hùng” với cả đoàn thì những ấn tượng kiểu này với tôi lại càng rõ rệt. Tôi có thể làm việc và thích thái độ làm việc của người Nhật nhưng tôi không thể và chưa bao giờ có thể thích đời sống tinh thần phía sau mỗi “salaryman” mà tôi được gặp và làm việc cùng. Cái này dĩ nhiên cũng chỉ giới hạn trong quan điểm cá nhân tôi và trong phạm vi trải nghiệm với những người Nhật mà tôi đã và đang làm việc cùng.

Hình minh họa: áp lực công việc của người Nhật. Ảnh sưu tầm.

Tầm nhìn dài hạn

Mặc dù vậy điều tôi thực sự ngưỡng mộ là tính cộng đồng và tầm nhìn rất xa của người Nhật. Họ luôn có kế hoạch năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm và xa hơn rất nhiều. Và việc họ làm ở hiện tại mình có thể thấy chẳng có nghĩa lý gì nhưng càng làm càng hiểu họ đang đặt từng viên sỏi cho tương lai phía trước. Và từng viên sỏi đấy là sự cố gắng, nỗ lực của từng thành viên trong công ty mỗi ngày, mỗi ngày. Bất kể là anh đang làm ở Việt Nam, sau 2 năm sẽ là ở Singapore rồi về Nhật thì dù ở vị trí nào họ cũng đều rất có tinh thần cống hiến cho công ty và cho đất nước. Theo đúng tinh thần của những “Samurai” thế hệ mới. Và tôi cảm phục tinh thần đấy.

Câu chuyện về người Nhật sẽ còn rất dài và mỗi người một cảm nhận. Ở đâu cũng có người tốt, kẻ xấu, điểm mạnh, điểm yếu. Tôi cũng chỉ biết chọn lọc những gì tốt đẹp để có thể tiếp tục yêu những thứ mình đã chọn. Và như cách tôi đang làm là làm việc với người Nhật chăm chỉ, nghiêm túc, không ngừng học hỏi và nỗ lực nhưng cuối cùng tôi lại lựa chọn đi du lịch đến những vùng đất của sự tự do và phóng khoáng. Mỗi đất nước một lịch sử, một nền văn hóa và một dân tộc với cách sống khác nhau để thấy cuộc sống ngoài công việc ra luôn có rất nhiều điều thú vị và hấp dẫn.

Lê Thủy Anh

Thạc sỹ ngành phát triển bền vững

Đại học Bocconi, Cộng hòa Ý