Lấy lại mật khẩu
x

Lỗ hổng kiến thức sau thời gian học online

27/01/2022 | Blacasa Education

Kết quả kiểm tra trực tiếp kỳ I ở nhiều trường thấp hơn 3-4 điểm so với kiểm tra online giữa kỳ, phản ánh tình trạng hổng kiến thức sau thời gian học trực tuyến tại TP HCM.

Học sinh TP HCM học online gần bốn tháng trước khi đến trường từ giữa tháng 12. Điểm đánh giá thường xuyên và kiểm tra giữa kỳ I được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Với bài kiểm tra cuối kỳ, các trường cho thi tập trung từ 10 đến 20/1.

Tuần này, 24-28/1, học sinh khối 7-12 tại TP HCM bước vào tuần học cuối trước kỳ nghỉ Tết. Các em được trả bài, sửa bài tập và củng cố kiến thức. Kết quả tổng kết cho thấy, điểm kiểm tra kỳ I ở nhiều nơi chênh lệch lớn với điểm giữa kỳ và đánh giá thường xuyên.

Một giáo viên Toán trường trung học phổ thông ở TP Thủ Đức cho biết, trong số hơn 80 học sinh ở hai lớp 12 do thầy phụ trách, 30 em có điểm cuối kỳ dưới trung bình. Trước đó, hầu hết các em này đạt 7-9 điểm giữa kỳ và các bài thường xuyên. Đây cũng là thực trạng chung tại các lớp 10, 11 ở trường này.

"Đề kiểm tra kết thúc học kỳ I không khó, được chúng tôi ra theo định hướng tinh gọn, giảm bớt các câu hỏi nâng cao, vận dụng. Tuy nhiên, đề yêu cầu học sinh phải hiểu bài, biết cách giải và lập luận chứ không phải dùng mẹo hoặc quay cóp. Những em học vẹt do đó không làm tốt", thầy giải thích.

Học sinh lớp 12 trường THPT Phước Kiển, huyện Nhà Bè trong giờ kiểm tra tập trung, ngày 14/1. Ảnh: Mạnh Tùng

Học sinh lớp 12 trường THPT Phước Kiển, huyện Nhà Bè trong giờ kiểm tra tập trung.

Tương tự, một giáo viên Văn trường tư thục ở quận 12 cho biết, điểm kiểm tra cuối kỳ chênh lệch "một trời một vực" với điểm giữa kỳ. 90 học sinh ở hai lớp 12 do thầy phụ trách có điểm trung bình kiểm tra cuối kỳ là 5,5; trước đó điểm trung bình kiểm tra giữa kỳ của các em là 7,5. Xét từng cá nhân, nhiều em chênh nhau 3-5 điểm giữa hai bài thi này.

Kết quả này nằm trong dự đoán của thầy giáo, sau những gì ông đã chứng kiến trong hai tuần dạy trực tiếp từ giữa tháng 12/2021. "70% học sinh không nắm được kiến thức, phải dạy lại từ đầu. Nhiều em học online chỉ để đối phó, thầy hỏi bài, trò tìm đủ lý do thoái thác hoặc lảng tránh", thầy nói.

Thầy Phạm Đông Phương, giáo viên Vật lý, THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 11) cũng gặp hiện tượng này trong sáu lớp ông giảng dạy. Theo đó, khoảng 50% học sinh có điểm kiểm tra cuối kỳ thấp hơn 3-4 điểm so với giữa kỳ. Một số em kiểm tra giữa kỳ được 8-9 điểm, cuối kỳ chỉ được 2-4 điểm. Tỷ lệ và mức chênh lệch điểm này theo ông đều cao hơn hẳn những năm trước.

Theo khảo sát, tình trạng này xuất hiện ở nhiều trường ngoại thành, tư thục, các trường THPT có điểm chuẩn đầu vào thấp.

Thầy Phương ở trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa cho rằng, kết quả trên đặt ra cảnh báo về "lỗ hổng" kiến thức của học sinh. "Đề thi bám sát chương trình và nội dung đã được dạy trực tuyến, không đánh đố, không nâng cao. Tuy nhiên, mặt bằng chung là các em làm không tốt", thầy Phương nói.

Theo thầy Phương, đây không hẳn là lỗi của học trò hoặc thầy cô. Đây là hệ quả do điều kiện khách quan - dịch bệnh buộc nhà trường phải dạy trực tuyến - mang lại. "Điểm thi thấp không đáng lo bằng việc học sinh mất căn bản, ảnh hưởng đến các học kỳ tiếp theo. Trám lỗ hổng này là nhiệm vụ quan trọng của nhà trường, giáo viên trong học kỳ II", thầy Phương nói.

Những lo ngại về chất lượng học trực tuyến cũng được ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM) đề cập đến trong buổi làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND Thành phố ngày 24/1.

Ông Tân nhìn nhận, học trực tuyến chắc chắn không bằng học trực tiếp, phải chấp nhận chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hình thức học tập này làm phân hoá sâu sắc năng lực học sinh. Những em có khả năng tự học, được hướng dẫn đúng cách vẫn có kết quả tốt. Ngược lại, học sinh thụ động, không có khả năng tự học sẽ không theo kịp.

"Nếu thầy cô truyền đạt 10 điều, trước đây các em tiếp thu được 8, nay chỉ được 4-5. Tuy nhiên, chúng ta không nên nhìn vào lượng kiến thức các em có được mà lo lắng. Nếu 4-5 phần kiến thức đó mà chắc chắn, nó vẫn có giá trị", ông Tân nói.

Giáo viên trường THPT Thanh Đa, quận Bình Thạnh chuẩn bị phiếu trả lời cho đợt kiểm tra học kỳ I, ngày 4/1. Hầu hết môn học được các trường trung học kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm, trừ Văn. Ảnh: Mạnh Tùng

Giáo viên trường THPT Thanh Đa, quận Bình Thạnh chuẩn bị phiếu trả lời cho đợt kiểm tra học kỳ I, ngày 4/1. Hầu hết môn học được kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm, trừ Văn.

 

Tại các trường trung học nội thành hoặc trường top đầu, kết quả kiểm tra học kỳ khả quan hơn. Thầy Nguyễn Tường Thịnh, giáo viên Vật lý, THPT Nguyễn Du (quận 10) cho biết, trong số 120 học sinh khối 11 và 12, chỉ 5% có điểm học kỳ thấp hơn giữa kỳ 2 điểm. Còn lại, học sinh giữ phong độ tốt.

Theo thầy Thịnh, sở dĩ có kết quả này vì đa số học sinh có ý thức học tập trực tuyến tốt, được sự quan tâm của phụ huynh.

8-9 điểm cuối kỳ cũng là kết quả của đa số học sinh THPT Lê Quý Đôn (quận 3) ở môn Sử. Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, tổ trưởng Lịch sử, cho rằng, học sinh làm tốt bài kiểm tra bởi kiến thức được giảm tải và đề thi theo hình thức trắc nghiệm.

"Ở một số môn học khác, học trực tuyến đúng là bất lợi. Nhưng với Sử, nó trở thành cơ hội đổi mới nếu thầy và trò nỗ lực, tìm cách tiếp cận mới. Học sinh có thể tìm kiếm kiến thức ở mọi nơi, trong khi giáo viên phải tìm cách truyền cảm hứng học tập cho các em thông qua phần mềm dạy học", thầy Du nói.

Theo Thông tư 26 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT, việc kiểm tra, đánh giá định kỳ gồm kiểm tra giữa kỳ và kiểm tra cuối kỳ. Bài kiểm tra giữa kỳ đã được các trường trung học tổ chức theo hình thức online vào giữa tháng 10 năm ngoái, khi tất cả học sinh chưa đến trường.

Theo Báo điện tử VnExpress