Lấy lại mật khẩu
x

Người Đức xây nhà từ móng

07/05/2017 | Blacasa Education

Những tháng đầu khi làm việc, trái lại với sự bỡ ngỡ của nhiều nghiên cứu sinh mới thì tôi lại rất tự tin bởi sự hiểu biết rộng của mình. Nhưng sau 1 năm tôi nhận ra mình cần phải học lại từ đầu những thứ tôi đã biết từ chính những người bạn đồng nghiệp người Đức. Sự tự hào ban đầu biến thành một gánh nặng bộc lộ nhiều yếu điểm trong cách đào tạo đại học ở Việt Nam.

Năm 2011 tôi được học bổng của châu Âu sang Đức làm nghiên cứu sinh tiến sỹ. Suất học bổng dành cho các sinh viên đã tốt nghiệp Đông Nam Á có thời gian 1 năm và có thể gia hạn thêm tuỳ vào trình độ. Hành trang của tôi là những kiến thức được trang bị ở một trong những ngôi trường hàng đầu về kĩ thuật ở Việt Nam. Không những thế, điểm số của tôi cũng nằm trong top đầu của lớp và của cả khoa. Tôi tự tin vì không chỉ thành tích học tập được đánh giá bằng điểm số, tôi còn là một người năng động với các hoạt động xã hội và tôi nghĩ, bạn bè nghĩ, thầy cô nghĩ rằng tôi là một người được trang bị đầy đủ kiến thức, vốn sống, phương pháp để đi tới trời Tây.

Giữa năm 2012, sau 6 tháng làm việc với giáo sư, ông đã giới thiệu tôi lên khoa làm nghiên cứu sinh chính thức mặc dù tôi chưa có bằng master hay diplom (điều kiện bắt buộc để làm nghiên cứu sinh tại Đức). Với những nỗ lực ấy, tôi tiếp tục được được học bổng của trường dành cho 3 đề tài nghiên cứu sinh xuất sắc trong một cuộc cạnh tranh tương đối gay gắt. Trong số các nghiên cứu sinh cùng chương trình học bổng, tôi là người đầu tiên đạt được thành tích này. Tôi đã  rất tự tin về những gì mình đã làm được so với các nghiên cứu sinh khác cùng khóa. Giáo sư đề nghị tôi chuyển phòng về gần phòng giáo sư để tiện trao đổi và cũng để làm việc trong nhóm nghiên cứu của ông.

Trong nhóm làm việc có duy nhất tôi không phải người Đức, và cũng là người trẻ nhất, kém các bạn khác 4-5 tuổi. Mặc dù vậy những tháng đầu làm việc tôi cảm thấy khá quen thuộc với những đề tài các bạn ấy làm, và thậm chí tôi biết nhiều lĩnh vực mà các bạn ấy không biết. Đôi khi tôi tự hỏi vậy những năm họ học đại học và master (hoặc diplom) thì họ học những gì và hơn gì so với tôi. Đôi khi đó là câu hỏi quanh quẩn trong đầu tôi, nhưng tôi cũng không bận tâm về điều đó nhiều lắm vì tôi đang rất tự tin.

Bắt đầu từ những tháng cuối năm 2012, tôi tập trung vào làm dự án của mình, có nghĩa là thời gian tôi phải bắt đầu nghiên cứu sâu hơn thay vì tìm đề tài, định hướng như ban đầu. Và tôi bắt đầu nhận ra những điểm yếu của mình bộc lộ. Nói một cách nào đó, một sản phẩm được đánh giá là giỏi của giáo dục Việt Nam là tôi đã bắt đầu bộc lộc yếu điểm trên chặng đường dài hơn và nghiên cứu chuyên sâu hơn.

Thiếu thực hành kiến thức cơ bản

Thời gian đã trả lời rằng những bạn Đức cùng nhóm của tôi, họ nắm rất chắc về những kiến thức cơ bản trong lĩnh vực đề tài nghiên cứu của nhóm. Những thứ cơ bản đó, tôi biết vì nó nằm trong chương trình học của tôi, nhưng lúc đấy tôi không nhận thức được tầm quan trọng của nó, vì đơn giản tôi không biết có dùng nó hay không. Không ai nhấn mạnh cho tôi cái gì là quan trọng, và tôi cũng chỉ biết rằng đó là một môn học tính điểm. Ví dụ, hai trong số những kiến thức cơ bản trong lĩnh vực toán tin của tôi là: sử dụng thành thạo các hệ điều hành và các công cụ lập trình.

Ở Việt Nam ngay từ khi vào trường chúng tôi được dùng Windows và được cung cấp những công cụ có đồ hoạ và rất tiện sử dụng để chạy một dự án lập trình với vài click chuột. Tôi tin thế là đủ. Nhưng ngay khi vào nhóm của giáo sư, tôi được giao cho một chiếc máy tính mặc dù rất tốt nhưng không cài Windows mà dùng Linux. Buồn bã thay, tôi đã học về Linux nhưng tôi hoàn toàn chưa thử sử dụng và gần như quên hết mọi thứ vì tôi nghĩ tại sao có Windows rồi mà lại phải dùng Linux xấu xí và khó sử dụng. Chưa hết, khi chạy một dự án lập trình, tôi vốn quen dùng Windows và các công cụ đồ hoạ và tiện ích để chạy, nhưng hầu hết các đồng nghiệp của tôi đều thành thạo sử dụng cái cơ bản và nguyên sơ nhất là các câu lệnh “Make". Tôi thực sự choáng. Thay vì sử dụng những cái nâng cao và tiện ích, họ đã học và dùng những công cụ thô sơ và căn bản nhất. Thực tế đã chứng minh, khi họ nắm bắt được những thứ cơ bản thì sử dụng những cái nâng cao và tiện ích rất dễ, họ cũng hiểu cặn kẽ cách những công cụ nâng cao hoạt động. Còn tôi, quen sử dụng những thứ nâng cao ngay từ đầu nên hoàn toàn không hiểu những gì cơ bản ở dưới và khi đổi sang một công cụ khác, tôi mất rất nhiều thời gian.

Mỗi một kiến thức cơ bản là một viên gạch cho nền móng của một toà tháp cao. Dù chỉ thiếu một viên cũng có thể sụp đổ cả một toà tháp. Hình sưu tầm.

Tôi tự rút ra bài học, những thứ cơ bản nhất luôn là những viên gạch nền vững chắc nhất. Tôi mặc dù đang đứng ngang hàng với các bạn khác, nhưng cũng nhận ra rằng, mặc dù ngọn có thể cao bằng nhau bây giờ nhưng cái gốc của tôi thì không đầy đủ và có thể sập bất cứ lúc nào. Điều này cũng giống như bạn muốn xây cao thì bạn nên chọn hình kim tự tháp. Đế càng to và chắc chắn thì bạn càng có thể xây lên cao một cách dễ dàng.

Kiến thức rộng nhưng chưa sâu

Tôi cũng đã nhầm tưởng hết sức tai hại rằng cái mình biết là cái mình đã lĩnh hội được. Khi học đại học ở trong nước tôi được đào tạo tương đối rộng, vì vậy tôi nghĩ rằng thế là đủ, nhưng thực chất nó chỉ là những khái niệm ban đầu. Trong quá trình làm việc, có nhiều kiến thức nâng cao được phát triển từ những kiến thức cơ bản. Mặc dù tôi có biết kiến thức cơ bản nhưng bản thân tôi chưa thực sự tìm hiểu và thực hành cặn kẽ từng khía cạnh của vấn đề. Vì thế, tôi gặp nhiều khó khăn khi đi vào những kiến thức chuyên sâu. Các đồng nghiệp người Đức mặc dù biết ít môn, nhưng họ thực sự hiểu sâu từng vấn đề nhỏ và giữa các kiến thức có sự liên kết với nhau. Kiến thức sâu rộng cũng giúp tôi có lợi trong một vài trường hợp, nhưng khi làm nghiên cứu, tôi thực sự cần sự chuyên sâu và hiểu biết các kiến thức cơ bản một cách cặn kẽ.

Thiếu kỹ năng làm việc

Điều cuối cùng tôi muốn nói đến đấy là kỹ năng làm việc. Ở Việt Nam, tôi là một người khá tự lập trong công việc và có thể nói là làm việc có phương pháp một cách khoa học và nghiêm túc. Nhưng thực sự đó chỉ là những phương pháp tự cá nhân tôi rút ra chứ chưa thành một hệ thống. Khi sang Đức và tham gia làm việc trong nhóm nghiên cứu, tôi thấy mọi thứ đều thành một quy trình hết sức khoa học và hợp lý. Mọi công việc liên quan đến nghiên cứu đều có từ những thứ cơ bản nhất và tất cả mọi người đều được khuyến khích theo quy trình ấy. Trước đây tôi tự học những kĩ năng như viết bài, làm việc nhóm, lập kế hoạch cho mình thì giờ đây tôi nhận ra rằng cho dù nó có hiệu quả nhưng không bằng các bạn khác. Các bạn học sinh, sinh viên ở Đức có những khóa dạy kĩ năng viết báo, dạy kĩ năng trình bày cho nghiên cứu sinh, kỹ năng quản lý dự án và rất nhiều kĩ năng mềm khác. Dù là sinh viên năm đầu nhưng các bạn ấy đã có nhiều môn học yêu cầu học sinh, sinh viên thuyết trình và lập kế hoạch chi tiết khi làm việc trong nhóm. Những kỹ năng ấy cứ thế phát triển lên thành kỹ năng trong quá trình học tập nên có thể thấy các sinh viên Đức có kỹ năng mềm rất tốt. Qua quá trình làm việc cùng nhau, tôi cũng đã học được rất nhiều kỹ năng hay, phong thái tự tin, cách thức triển khai vấn đề logic từ họ.

Bài học rút ra

Trong bất cứ lĩnh vực nào, nếu bạn muốn lên được đỉnh cao, hãy học thật kỹ và nắm thật chắc những gì cơ bản nhất của lĩnh vực đó. Có thể bạn chưa dùng, nhưng hãy đảm bảo rằng khi bạn cần thì bạn sẽ dùng được. Hãy xác định một số kiến thức chuyên ngành căn bản để tìm hiểu sâu đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu. Biết rộng cũng tốt nhưng phải có chiều sâu ở những kiến thức cơ bản. Ngoài ra, bạn nên trang bị một tinh thần không ngừng trau dồi, học hỏi để hoàn thiện hơn nữa các kỹ năng làm viêc của mình. Đừng so sánh với những người xung quanh, đừng đặt ra một giới hạn nào, điều quan trọng là bạn phải luôn giữ tinh thần học hỏi và không ngừng cải thiện mình mỗi ngày.

Dr. Nguyễn Tuấn Nam

Tiến sỹ CNTT, đại học Heidelberg, CHLB Đức

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC