Lấy lại mật khẩu
x

Những dấu hiệu bệnh trầm cảm ở trẻ mà cha mẹ cần phải cảnh giác

27/04/2022 | Blacasa Education

Những dấu hiệu bệnh trầm cảm ở trẻ em rất dễ bị nhầm lẫn với các biểu hiện tâm lý bình thường. Vậy làm sao để cha mẹ sớm nhận ra trẻ đang mắc bệnh trầm cảm để sớm can thiệp?

Dấu hiệu bệnh trầm cảm ở trẻ em sẽ khác với những cảm xúc vui buồn thất thường trong giai đoạn phát triển của trẻ. Nếu tình trạng buồn bã lặp lại suốt một thời gian dài cùng với sự tách biệt với các hoạt động sở thích, trường lớp hay gia đình thì rất có thể đây là dấu hiệu bệnh trầm cảm. Thậm chí, một số trẻ còn có thể gây tổn thương cho bản thân hoặc tự tử vì không thể chịu đựng nỗi đau tâm lý.
Khi trẻ mắc bệnh trầm cảm, bạn cần dành thời gian bên con nhiều hơn để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Hãy cùng tìm hiểu các dấu hiệu bệnh trầm cảm ở trẻ em để có thể giúp con nhanh chóng lấy lại tiếng cười hồn nhiên nhé!
Nguồn : internet

Nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm ở trẻ

Cũng giống như người trưởng thành, nguyên nhân gây trầm cảm ở trẻ em có thể là do kết hợp nhiều yếu tố liên quan đến sức khỏe thể chất, biến cố cuộc sống, quá khứ gia đình, môi trường, gene nhạy cảm và rối loạn sinh học. Trong đó, hai nguyên nhân thường thấy ở trẻ em bị trầm cảm là do những áp lực trong học hành và hoàn cảnh gia đình.
Áp lực học hành: Trẻ rất dễ bị trầm cảm khi ba mẹ gây sức ép về kết quả học tập phải vượt trội hơn bạn bè. Áp lực học hành cùng thể chất mệt mỏi sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn.
Gia đình xung đột: Những xung đột trong gia đình sẽ khiến trẻ luôn sợ hãi, bất an và ngày càng thu mình lại khi không thể san sẻ với người lớn những cảm giác của mình.
Trẻ em sinh ra trong gia đình có tiền sử trầm cảm sẽ có nguy cơ cao bị mắc chứng trầm cảm hơn. Ngoài ra, trẻ sử dụng chất kích thích (rượu bia, thuốc lá) cũng có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn.

Dấu hiệu bệnh trầm cảm ở trẻ

Dấu hiệu trẻ bị trầm cảm thường bao gồm cảm giác buồn bã, vô vọng và thay đổi tâm trạng. Dấu hiệu bệnh trầm cảm ở trẻ em rất đa dạng và thường không được nhận biết hay điều trị vì người lớn rất dễ bỏ qua vì cho rằng đó chỉ là những thay đổi về cảm xúc và thể chất của trẻ. Dưới đây là 14 dấu hiệu bệnh trầm cảm ở trẻ em phổ biến nhất:
Khó tập trung
  • Mệt mỏi và uể oải
  • Cách ly với xã hội
  • La hét hoặc khóc lóc
  • Khó chịu hoặc tức giận
  • Buồn bã và tuyệt vọng
  • Có xu hướng chống đối
  • Cảm thấy kém cỏi và tội lỗi
  • Suy nghĩ hoặc tập trung kém
  • Có ý nghĩ về chết chóc hoặc tự tử
  • Thay đổi khẩu vị (thèm ăn hoặc chán ăn)
  • Bị đau về thể chất như đau bụng, đau đầu…
  • Giấc ngủ thất thường (ngủ nhiều quá hoặc ít quá)
  • Không hào hứng khi tham gia các sự kiện hay hoạt động với người thân, bạn bè hoặc thực hiện các sở thích khác.
Nguồn : internet
Trầm cảm là một trong những chứng rối loạn tâm lý ở trẻ em mà bạn không nên xem thường. Mỗi đứa trẻ sẽ có những biểu hiện trầm cảm ở trẻ em khác nhau. Một vài trẻ có thể sinh hoạt bình thường, song hầu hết trẻ bị trầm cảm sẽ cảm thấy khổ sở với những thay đổi trong xã hội, mất niềm vui đến trường và bị điểm số kém hoặc có sự thay đổi về ngoại hình. Trẻ trên 12 tuổi có thể tập tành uống rượu bia, hút thuốc lá hoặc thuốc phiện.
Mặc dù khả năng hiếm xảy ra ở trẻ dưới 12 tuổi, song trẻ bị trầm cảm vẫn có khả năng tự tử. Nhất là khi trẻ đang buồn bã hoặc giận dữ, khả năng tự tử càng cao. Các bé gái có xu hướng nghĩ đến tự tử nhiều hơn, còn các bé trai lại thường có xu hướng thực hiện hành động ngay khi có ý nghĩ tự tử. Trẻ em sống trong gia đình bạo lực, nghiện ngập, bạo hành hoặc lạm dụng tình dục có rủi ro tự tử cao khi xuất hiện những dấu hiệu bệnh trầm cảm ở trẻ em.

Khi nhận ra những dấu hiệu trên, cha mẹ cần làm gì?

Theo một nghiên cứu thực hiện trên 202 trẻ em tại Việt Nam, khoảng 22.8% trẻ bị trầm cảm và có đến 23.7% trẻ muốn tự tử. Đây thực sự là con số đáng báo động khi nhiều phụ huynh không hề nhận ra con mình đang có dấu hiệu bệnh trầm cảm ở trẻ em!
Khi thấy con có các dấu hiệu bệnh trầm cảm ở trẻ em kể trên, ba mẹ cần can thiệp sớm. Biện pháp điều trị cũng tương tự như người trưởng thành, bao gồm liệu pháp tâm lý và sử dụng thuốc. Tuy nhiên, ba mẹ cần hiểu vai trò của gia đình và môi trường sống của trẻ trong quá trình điều trị sẽ khác với người trưởng thành. Bác sĩ có thể đề nghị tư vấn tâm lý trước, sau đó cân nhắc dùng thuốc trầm cảm như một giải pháp bổ sung nếu trẻ không có dấu hiệu cải thiện rõ rệt.
Thuốc chống trầm cảm cần được sử dụng một cách thận trọng, vì chúng có thể kích hoạt trạng thái hoảng loạn hoặc hiếu động ở trẻ em bị rối loạn lưỡng cực. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cảnh báo nếu sử dụng không đúng cách, các loại thuốc điều trị trầm cảm có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến ý nghĩ và hành động tự tử do trầm cảm hoặc các chứng rối loạn tâm lý khác.
Chính vì vậy, việc cho con dùng thuốc điều trị trầm cảm hết sức thận trọng. Bạn không nên tự ý cho con uống thuốc trầm cảm mà phải tham khảo ý kiến bác sĩ. Ngoài ra, nếu vẫn còn lo lắng về tình trạng của trẻ, hãy tìm đến các chuyên gia tâm lý.
 

Nguồn : hellobacsi