Lấy lại mật khẩu
x

Những người tiên phong trong cải cách giáo dục toàn cầu (Phần I)

23/03/2018 | Blacasa Education

Nhiều người trong chúng ta vẫn đang hiểu cải cách giáo dục chỉ là cải cách về sách giáo khoa, hệ thống giáo dục hay cải cách về chữ quốc ngữ. Những điều đó thực chất là cải cách về cấu trúc, còn bản chất của cải cách giáo dục là “nghiên cứu và lựa chọn các phương pháp dạy và tiếp thu kiến thức sao cho phù hợp với sự phát triển của con người trên mỗi quốc gia và trong từng thời kỳ”

Giáo dục luôn là chìa khoá thành công của tất cả các quốc gia phát triển, nhận thức được điều này, trong những thập kỷ gần đây Việt Nam dành rất nhiều thời gian và công sức cho việc cải cách giáo dục, tuy nhiên kết quả mang lại vẫn còn nhiều khiêm tốn.

Nhiều người trong chúng ta vẫn đang hiểu cải cách giáo dục chỉ là cải cách về sách giáo khoa, hệ thống giáo dục hay cải cách về chữ quốc ngữ. Những điều đó thực chất là cải cách về cấu trúc, còn bản chất của cải cách giáo dục là “nghiên cứu và lựa chọn các phương pháp dạy và tiếp thu kiến thức sao cho phù hợp với sự phát triển của con người trên mỗi quốc gia và trong từng thời kỳ”.

 

Cải cách giáo dục là cả một quá trình có sự kế thừa, phát triển liên tục theo thời gian. Trên bản đồ địa lý của cải cách giáo dục, có rất nhiều những nhà cải cách giáo dục kiệt xuất đến từ các quốc gia, trải dài từ các đất nước bắc Âu, tới Italia, Nga, Mỹ và sau đó đến các nước châu Á như Nhật Bản và Ấn Độ, tới Australia và trải rộng khắp toàn cầu.

Bài viết này sẽ giới thiệu với các bạn chân dung của một số nhà cải cách giáo dục tiêu biểu trên thế giới  với những tiền đề là nền tảng cho giáo dục đã được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia.

 

Ellen Key (1849-1962) với tiền đề giáo dục “Thế kỉ của trẻ em”

Đất nước Thụy Điển được xem là một trong những quốc gia đầu tiên tạo tiền đề cho cải cách giáo dục toàn cầu, với sự đóng góp lớn của người tiên phong là Ellen Key. Bà là một nhà giáo, nhà cải cách giáo dục cũng là luật sư bảo vệ quyền của phụ nữ.

Công trình “Thế kỉ của trẻ em” được xây dựng là “ngôi trường học mơ ước trong tương lai”, nơi trẻ em được chào đón đi học, không còn lo âu bởi chiến tranh, chạy tị nạn hay các thiên tai động đất, sóng thần. Đây cũng là nơi là mọi trẻ em được đối xử bình đẳng với các quyền trẻ em cơ bản như quyền được học tập, vui chơi và dinh dưỡng.

 

Nhà cải cách giáo dục Elen Key (Nguồn ảnh: Internet).

 

Montessori (1870-1952) với “Giáo dục Montessori”

Italia là một đất nước nổi tiếng xinh đẹp với nhiều công trình kiến trúc từ thời La Mã và đồ ăn ngon, nhưng sự thành công của đất nước hình chiếc ủng này cũng được tạo dựng một phần từ nền giáo dục rất phát triển của họ.

Bỏ qua giai đoạn giáo dục xa xưa của thời kì cổ đại để đến với giáo dục hiện đại, chúng ta sẽ bắt gặp cái tên nổi tiếng nhất trong nền cải cách giáo dục thế giới: Maria Montessori. Bà xuất thân là một nữ bác sĩ, từng có thời gian làm việc tại bệnh viện, gặp nhỡ nhiều những bệnh nhân nhỏ tuổi. Trong thời gian này, Maria nhận ra tình yêu với nghiên cứu các phương pháp giáo dục. Từ đó bà đã xây dựng nên phương pháp giáo dục Montessori phù hợp với các độ tuổi phát triển của học sinh theo tâm- sinh lý của các em. Điểm đặc biệt của phương pháp này đó là giáo viên luôn đề cao sự tự lập và tính cách cá nhân của từng học sinh. Phương pháp Montessori sau đó đã được lan rộng không chỉ ở Italia mà còn khắp nơi trên thế giới.

 

Nhà cải cách giáo dục Montessori (Nguồn ảnh: Internet).

 

Tolstoj (1828-1910) với “Giáo dục Xô Viết”

Tolstoj là nhà cải cách giáo dục đến từ liên bang Xô Viết. Ông cũng là một nhà văn, nhà thơ, và một nhà viết kịch. Ông từng có trải nghiệm trong quân đội và đã có cơ hội đặt chân đến nhiều quốc gia. Phương pháp giáo dục của Tolstoj mang đậm chất cải cách dân chủ, hướng tới các giá trị của sự công bằng, kính trọng và trung thực trong giáo dục đào tạo. Phương pháp giáo dục này được sử dụng rộng rãi trên hệ thống các đất nước xã hội chủ nghĩa trước kia và vẫn còn được làm tiền đề cho những nghiên cứu cải cách giáo dục sau này.

 

Nhà cải cách giáo dục Tolstoj (Nguồn ảnh: Internet).

 

John Dewey (1859-1952) với “New education (Giáo dục mới)” ở nước Mỹ

Mỹ là nơi tập trung của nhiều trường đại học lớn nên không thể thiếu tên trong danh sách các nhà khoa học giáo dục. Để đạt được nền giáo dục tân tiến như hiện nay, nước Mỹ cũng phải trải qua nhiều lần cải cách. John Dewey là một trong những người thành công nhất trong cải cách giáo dục nước Mỹ.

Ông là nhà sư phạm, nhà cải cách giáo dục, nhà triết học, tâm lý học và chính trị gia người Mỹ. Phương pháp giáo dục của ông  là cải cách giáo dục theo chủ nghĩa thực dụng. Đó là dạy học phải đi đôi với thực tế cuộc sống và học đi đôi với thực hành “Learning by doing”. Không chỉ nghiên cứu ở Mỹ, Dewey còn đến châu Phi, Nhật Bản và Trung Quốc để nghiên cứu giáo dục. Các nghiên cứu cải cách giáo dục của John Dewey được làm nền tảng cho chương trình nghiên cứu cải cách giáo dục ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới.

 

 

Nhà cải cách giáo dục John Dewey (Nguồn ảnh: Internet).

 

Trên đây là chân dung của bốn nhà cải cách giáo dục lớn đến từ Thụy Điển, Italia, Nga và Mỹ được chúng tôi tổng hợp dựa trên các sách nghiên cứu giáo dục cũng như các tài liệu về cải cách giáo dục ở Đức, bằng tiếng Đức. Nếu các bạn quan tâm đến các nhà cải cách giáo dục nổi tiếng thế giới, mời bạn tiếp tục theo dõi các phần tiếp theo trong series bài viết này. Hoặc nếu bạn có câu hỏi nào cùng chủ đề, bạn có thể viết comment ở phần bên dưới, chúng tôi sẽ rất vui lòng trả lời nếu có thể giải đáp thắc mắc của bạn.

 

Tác giả: Phan Thu Trang