Lấy lại mật khẩu
x

Nỗ lực cân bằng tâm lý cho trẻ khi học online kéo dài

07/01/2022 | Blacasa Education

Nhân sinh nhật con trai 12 tuổi dịp Tết Dương lịch, chị Cẩm Mai mời 4-5 bạn cùng lớp của con ở THCS-THPT Lương Thế Vinh đến nhà chơi.

Người mẹ chia sẻ, từ khi lên lớp 6, con chị và các bạn chưa từng gặp nhau trực tiếp vì phải học online. Thời gian học của con khá dài, nhiều hôm từ 7h sáng đến 5h chiều. Hơn nữa, bé trầm tính nên chị luôn muốn giúp con cân bằng tâm lý và giải tỏa căng thẳng. Ngoài việc cho con ra công viên, ngoại thành và tham gia các hoạt động thể thao, chị Mai nghĩ đến kế hoạch để con gặp bạn cùng lớp để cải thiện giao tiếp.

Sau khi tìm hiểu kỹ quy định phòng dịch của Hà Nội và cẩn thận trao đổi với các phụ huynh khác, test nhanh Covid cho các con, chị Mai cùng con mời khoảng 4-5 bạn đến nhà. Vốn quen nói chuyện và tương tác qua màn hình, ban đầu gặp nhau, các con đều rụt rè. Nhưng khi đã quen hơn, bọn trẻ nói chuyện không dứt. "Tôi rất mừng vì các con làm quen và tương tác được với nhau. Sắp tới, tôi cùng các phụ huynh sẽ tạo điều kiện cho các con gặp gỡ nhiều hơn, trong những nhóm nhỏ, ở cộng đồng vùng xanh", chị Mai nói.

Có con học cùng con trai chị Mai, chị Hoàng Nga cũng khởi xướng một buổi gặp gỡ cho các con ở Công viên Cầu Giấy. "Các con mới lên lớp 6, tâm lý thay đổi nhiều, rất khác so với bậc tiểu học. Trong môi trường mới mẻ như vậy mà không được gặp bạn là thiệt thòi lớn", chị Nga nói.

Từ mong muốn đó, các phụ huynh chia thành từng nhóm nhỏ 4-6 học sinh, test nhanh Covid rồi tổ chức cho các em ra công viên hoặc đến nhà một bạn.

Ảnh minh hoạ học online. Nguồn VnExpress.

Học sinh Hà Nội học online, tháng 9/2021. Ảnh: Thanh Hằng. NguồnVnExpress.

Trong bối cảnh phải ở nhà từ tháng 5/2020, nhiều học sinh gặp các vấn đề tâm lý như ngại giao tiếp, mất đi tính tự giác, thờ ơ với giờ học. Do đó, không chỉ phụ huynh, nhiều giáo viên cũng nỗ lực tìm cách cân bằng tâm lý cho học trò.

Là giáo viên chủ nhiệm lớp 6, trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy, cô Phùng Thị Ngọc nhận định: "Nếu để các em bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề, việc học không còn nhiều ý nghĩa", cô Ngọc nói và nêu ra hàng loạt giải pháp nhằm hỗ trợ học sinh.

Với vai trò giáo viên chủ nhiệm, từ đầu năm học, cô đã đặt vấn đề trong buổi họp phụ huynh về việc học sinh lớp 6 đang trong giai đoạn thay đổi tâm sinh lý, trong bối cảnh gặp nhiều hạn chế do học online. Cô kêu gọi sự đồng hành từ phụ huynh và giữ liên hệ với bố mẹ hàng ngày, hàng tuần để cập nhật tình hình các con.

Sau vài tiết dạy đầu tiên, nếu nhận ra học sinh nào khép kín, ít tương tác, cô Ngọc nhờ phụ huynh sắp xếp các buổi trò chuyện riêng với trò trên Zoom. Những buổi nói chuyện 1-1 đó, cô không đề cập đến học hành mà chủ yếu tìm hiểu thói quen, sở thích của các em. "Cứ như vậy, các con dần tin tưởng tôi và giao tiếp nhiều hơn", cô Ngọc nói.

Ngoài các biện pháp ngoài giờ học, cô Ngọc tâm niệm các tiết dạy phải thực sự hứng thú mới giúp giảm bớt vấn đề tâm lý. Vì vậy, cô giáo dạy Văn này rất chú trọng khâu chuẩn bị bài với những slide bắt mắt, gây tò mò.

Đầu giờ học, cô không đặt nặng vấn đề ghi chép hay kiểm tra bài bởi hoạt động này dễ gây áp lực. Nhiều học sinh thậm chí còn thoát khỏi lớp học và báo lỗi mạng để tránh bị gọi tên. Vì vậy, cô thường tổ chức game, kể chuyện vui hay phát một bài hát để tạo không khí hào hứng. Dù chỉ 3-5 phút khởi động, hiệu quả giờ học sau đó cao hơn rất nhiều với sự tương tác sôi nổi của học sinh.

Gọi học sinh phát biểu cũng là cách để giải tỏa tâm lý cho các em. Cô Ngọc kể có bạn xung phong nhiều, nếu giáo viên không khéo léo, em sẽ thất vọng. Cô Ngọc thường mời học sinh đó phát biểu 1-2 lần. Những lần sau, dù dành cơ hội cho bạn khác, cô vẫn dành lời khen cho những em đã nhiệt tình giơ tay và tin tưởng các em cũng có câu trả lời sáng tạo.

Từ thực tế học tập của học sinh, cô giáo trường Nguyễn Bỉnh Khiêm tạo cho mỗi em một tài khoản, trong đó ghi chép nề nếp học tập từng ngày, tuần và tháng. Vào mỗi cuối tháng, học sinh được tuyên dương với các danh hiệu như "Sao học tốt của tháng", "Sao chăm chỉ", "Sao tiến bộ", "Sao tốc độ"...

Bằng cách này, không chỉ những em xuất sắc được tuyên dương mà những học sinh có sự thay đổi tích cực cũng được động viên. Cô Ngọc cho rằng, việc tuyên dương cũng không được hời hợt, nên thay vì chỉ nhắc tên, cô giáo thiết kế slide vinh danh với hình ảnh, danh hiệu đạt được và những điều các em đã làm trong tháng. Thực hiện từ tháng 8, cô Ngọc được phụ huynh ủng hộ, học sinh thích thú và mong ngóng dịp vinh danh mỗi tháng.

"Việc tạo giờ học hứng thú và cách động viên học sinh rất quan trọng trong bối cảnh các em phải học từ xa. Bằng nhiều cách, tôi nhận thấy học sinh có biểu hiện tốt hơn và cố gắng hơn", cô Ngọc nói.

Còn cô Hoàng Quỳnh Anh, giáo viên lớp 1 Tiểu học Khương Thượng, thường tổ chức bài học thông qua các nền tảng trò chơi. Cô giáo cho biết, học sinh lớp 1 không thể tập trung lâu, đặc biệt khi học online. Do đó, vừa để giải lao, cũng để củng cố kiến thức vừa học xong, cô thường tổ chức trò chơi trắc nghiệm. "Việc này khiến giáo viên vất vả hơn một chút nhưng đổi lại, học trò sẽ hào hứng", cô nói.

Trong giờ học, hiểu tâm lý trẻ muốn phát biểu, cô Quỳnh Anh cũng ghi chú cụ thể những em đã hoặc chưa được gọi để tạo sự cân bằng. Trong trường hợp một học sinh giơ tay quá nhiều nhưng đã đủ số lượt phát biểu, cô cũng dành lời khen.

Thạc sĩ Tô Thị Hoan, chuyên viên Tâm lý học trường học, nhấn mạnh phụ huynh và giáo viên có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ tâm lý cho học sinh, đặc biệt trong thời gian học online, không phải trường nào cũng có chuyên viên tâm lý và không phải học sinh nào cũng tin tưởng chuyên viên để chia sẻ câu chuyện của mình.

Theo cô Hoan, học sinh lớn có xu hướng tìm tới bạn bè đồng trang lứa để tâm sự, trong khi học sinh nhỏ hơn tìm tới bố mẹ, thầy cô - những người thực sự thân thiết, đáng tin cậy. Do vậy, giáo viên và phụ huynh có thể sớm phát hiện các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần ở học sinh.

Thời gian học sinh không tới trường, cô Hoan cũng thường được phụ huynh, giáo viên nhờ tư vấn cách hỗ trợ tâm lý cho con. Những trường hợp vấn đề quá lớn, những chuyên viên tâm lý học đường như cô sẽ tìm cách hỗ trợ trực tiếp. Tuy nhiên, cô nhấn mạnh vai trò tác động của phụ huynh và giáo viên hơn. Nếu phát hiện sớm các vấn đề, sự tác động này có thể giúp giải quyết nhanh chóng mà không cần nhờ đến sự can thiệp quá sâu của những người làm tâm lý.

Hơn 2,1 triệu học sinh Hà Nội dừng học trực tiếp từ tháng 5/2020. Đến tháng 11, khoảng 60.000 học sinh lớp 9 và 12 được trở lại trường, còn lại tiếp tục học trực tuyến đến nay.

Nguồn bài viết: VnExpress. 

Tác giả: Thanh Hằng - Dương Tâm