Lấy lại mật khẩu
x

Review: cuộc sống trong ký túc xá đại học Kinh Tế Quốc Dân Hà Nội

14/05/2017 | Blacasa Education

Chúng tôi- những đứa sinh viên tỉnh lẻ từ quê lên thành phố học đại học- không người thân thích, không tìm được chỗ trọ ưng ý, hoặc gia đình không có điều kiện- chúng tôi chọn sống ở ký túc xá. Và cũng nhờ đó mà chúng tôi- từ những đứa lạ hoắc lạ huơ, không chung quê quán, không học cùng lớp Đại học- bị “nhét” chung vào một phòng, hằng ngày chia một miếng củ đậu thành tám cho mỗi đứa một mẩu nhâm nhi sống qua ngày...

 

Chúng tôi đã chọn ký túc xá vì...

Bốn năm trước, chúng tôi là những lứa sinh viên năm nhất, khóa 54 của trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Sinh viên tỉnh lẻ như chúng tôi, lên Hà Nội nhập học, chúng tôi chọn ký túc xá. Có rất nhiều lý do mà mấy đứa chúng tôi lại gặp nhau ở đây:

Gần

Ký túc xá ở gần trường, chỉ cách giảng đường có một cây cầu đi bộ. Khu học thể dục thể chất của trường tôi lại nằm trong khuôn viên của ký túc nên chẳng bao giờ phải lo việc đi lại, tắc đường hay muộn học. Mưa che ô, nắng cũng cầm ô, ngày nào đi học cũng cắp bên mình một cái ô đi đi về về. Vở có thể quên, giáo trình có thể dùng chung, bút có thể mượn bạn, nhưng ô thì luôn phải thủ sẵn một cái.

Rẻ

Giá phòng trọ ở ký túc xá cũng rẻ hơn giá thành trọ ở bên ngoài, thế nên, đối với những sinh viên con nhà nghèo như chúng tôi thì ở ký túc xá luôn là lựa chọn kinh tế nhất. Mấy đứa bạn tôi thuê phòng trọ ở bên ngoài, nếu muốn trọ ở gần trường, phòng khoảng 20 - 25m2, vệ sinh khép kín, có nhà để xe, bình nóng lạnh các thứ các thứ thì giá sẽ rơi vào khoảng 2 - 2,5 triệu cho 2 đến 3 người ở, điện nước tính theo giá nhà dân. Thế nên mỗi tháng riêng tiền thuê nhà và điện nước nếu chia theo đầu người đã vào khoảng 1,5 - 2 triệu, chưa kể bạn nào sang chảnh lắp thêm điều hòa hay dùng máy giặt thì còn tốn nữa. Sinh viên ký túc chúng tôi, đóng tiền nhà theo học kỳ, cứ năm, sáu tháng đóng một lần, mỗi lần cũng chỉ bằng một tháng tiền nhà của các bạn thuê trọ ở ngoài.

Phòng trọ ở ký túc xá có nhiều mức giá, loại phòng cho sinh viên lựa chọn. Phòng nào càng ở tầng cao thì giá tiền càng thấp, tất cả các phòng đều có vệ sinh khép kín, có ban công phơi đồ, diện tích vào khoảng 30 - 40m2. Phòng chất lượng cao thì cho khoảng từ hai đến tám người ở, có giường tủ, tivi, bình nóng lạnh đàng hoàng, giá phòng mỗi đứa vào khoảng 480.000 - 600.000/tháng. Phòng bình thường thì chỉ có bốn, năm cái giường tầng cho tám hay mười sinh viên ở. Ký túc xá của một số trường khác thậm chí còn có phòng cho mười tám, hai mươi người, giá phòng mỗi người từ 180.000- 200.000/tháng, không có bình nóng lạnh, cũng không có tivi hay tủ.vv.

Không gian riêng của mỗi sinh viên được sắp xếp trong vỏn vẹn một cái giường 0.8 x 1.8m, đồ đạc tài sản chỉ có mấy quyển sách dùng làm gối và một cái thùng tôn chứa vừa một tỷ thứ còn lại. Ký túc xá nhiều trường khác giá còn rẻ hơn. Mấy người bạn tôi học ở các trường Bách Khoa, Xây dựng hay Thủy Lợi còn bảo rằng mỗi tháng chỉ phải đóng 80.000- 120.000 tiền phòng, rẻ như cho. Chưa kể, tiền điện nước ở đây được trợ giá, nên một phòng mỗi tháng chỉ phải đóng khoảng 200.000 - 300.000 tiền điện nước, phòng nào mà lên tới 500.000 - 600.000 sẽ bị coi là hoang phí lắm.

Phòng chất lượng cao ở ký túc xá ĐH Kinh tế Quốc dân. Hình sưu tầm.

Vui

Trường tôi nổi tiếng có phong trào đoàn hội sinh viên mạnh. Đếm sơ sơ cũng phải dăm chục hội sinh viên lớn nhỏ, từ câu lạc bộ sinh viên trường, hội sinh viên đồng hương các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam Ninh, Phú Thọ,... đến các câu lạc bộ âm nhạc, tiếng anh, karatedo, abcxyz cái gì cũng có hội có đoàn. Sinh viên chúng tôi, hầu như ai cũng có mặt ghi tên trong một, hai câu lạc bộ gì đấy. Tất cả những đội này đều hoạt động chủ yếu ở ký túc xá. Cứ tối tối, cả khu ký túc lại sáng bừng lên, góc nào cũng có sinh hoạt đội, chỗ ngồi hát, chỗ tổ chức event... nhiều khi đến tối muộn mới kết thúc. Vậy nên, nhiều bạn chọn ở luôn trong ký túc xá cho dễ hoạt động, tiện đi lại. Cũng nhờ có những hoạt động của các câu lạc bộ tổ chức ở đây mà nghiễm nhiên, ký túc xá chúng tôi trở thành trung tâm của mọi thông tin, mọi phong trào, lúc nào cũng náo nhiệt, vui tươi, chuyện gì trong trường cứ hỏi dân ký túc, sự kiện gì của hội sinh viên dân ký túc đều được biết đầu tiên.

Sẻ chia

Sống trong ký túc là sống trong môi trường của sinh viên, sinh viên sống giữa sinh viên, nên có thể tự bảo ban nhau mà học, trau dồi kiến thức cho nhau đồng thời cũng tự bảo ban nhau mà sống. Bạn này giỏi Tiếng Anh thì dạy cho những bạn còn lại, bài tập môn nào không hiểu thì mang ra nhờ cả phòng giảng bài cho. Cứ có mẹo gì hay, lại bàn bạc nhau cùng làm thử.

Phòng tôi có một bạn gọi là "Biết Tuốt", người luôn tìm những cơ hội học bổng hoặc hội thảo giáo dục rồi kêu mọi người đi cùng, một bạn "Tham Tiền", chuyên gia tìm chỗ tuyển dụng cộng tác viên xong bảo các bạn đi ứng tuyển, một bạn "Ham Ăn", người biết tất cả địa điểm ăn ngon rẻ đang khuyến mãi trên toàn Hà Nội, một bạn "Đại Gia" vì lần nào về quê lên lại thấy lủng lẳng tay trên tay dưới toàn quà là quà, chia cho các bạn từng cái kẹo, từng miếng bánh,... Cứ thế, chúng tôi dần dần trở nên thân thiết và bước qua đời sinh viên cùng nhau.

Sinh viên chúng tôi những năm đầu đại học, như những đứa trẻ con vừa trở thành người lớn, vừa bước ra khỏi gia đình, chưa có kinh nghiệm sống, chưa tự kiếm được tiền nuôi thân, chưa va chạm nhiều với cuộc đời nên chúng tôi chọn sống ở ký túc như một bước đệm cho cuộc sống tự lập sau này, để không bị hẫng khi bước ra đời và sống với thế giới rộng lớn hơn.


Những khó khăn khi sống ở ký túc xá

Xung đột

Những sinh viên chúng tôi, khi đăng ký vào ở ký túc xá, được xếp ngẫu nhiên vào cùng một phòng, mỗi bạn một quê, mỗi bạn một khóa, mỗi bạn lại học một lớp chuyên ngành khác nhau, có mỗi điểm chung duy nhất là học cùng trường, cũng chẳng ai biết tính ai thế nào, nên cứ nhìn nhau mà sống, dần dần riết rồi tự quen, tự thân vậy. Tuy nhiên, đôi khi không thể tránh khỏi xảy ra cãi vã hay hiềm khích do xung đột về cách sống mỗi người.

Ồn

Không khí ở ký túc xá luôn rất náo nhiệt do các hoạt động của câu lạc bộ sinh viên, nhưng cũng vì thế mà ký túc xá thường rất ồn, ảnh hưởng rất nhiều đến việc tập trung học của sinh viên trong ký túc, nhất là vào những kỳ thi. Thế nên, nhiều người sống ở đây phải chấp nhận làm “cú đêm” là vì vậy.

Hoạt động của các đội nhóm sinh viên thường tập trung ở ký túc xá nên nơi đây luôn rất nhộn nhịp, sôi động nhưng cũng không thể tránh khỏi gây ồn ào cho những sinh viên sống ở đây. Hình sưu tầm.

Ăn uống

Khu ký túc xá chúng tôi cấm sinh viên nấu ăn để hạn chế cháy nổ nên sinh viên buộc phải ăn ở canteen ký túc hoặc ăn ngoài. Nhiều bạn quen ăn cơm nhà, không ăn được cơm tiệm, ở ký túc được ba bữa đã phải chuyển ra ngoài thuê trọ để được nấu cơm. Đây có lẽ cũng là một trong những lý do lớn nhất mà nhiều sinh viên không muốn ở ký túc xá. Một tuần, bạn có thể ăn tiệm hai, ba lần là chuyện bình thường. Nhưng nếu như cả năm trời phải ăn hàng ngồi quán thì thật sự không phải ai cũng làm được và không phải ai cũng muốn quen với việc đó. Chưa kể, ăn cơm ngoài tiệm vừa đắt, lại vừa không đảm bảo vệ sinh...Thế nên, những đứa sinh viên nghèo chúng tôi phải tìm đủ mọi cách để có thể tiết kiệm trong từng bữa ăn.

Cứ tối tối, chúng tôi sẽ lượn lờ ra siêu thị gần đó, chờ đến đúng boong 18h để được mua cái bánh mỳ dài giảm giá từ 7 nghìn rưỡi xuống còn 6 nghìn, rồi ngồi gặm nhấm từ tối đến sáng hôm sau. Có những bạn đi ăn canteen toàn giấu mấy miếng thịt vào dưới cơm, chẳng may bị cô bán hàng phát hiện ra, bị cô lườm cho rách mắt. Nhưng rồi cô cũng không bảo gì, tính tiền xong cô còn kêu: “Gắp thêm miếng đậu nữa mà ăn đi con!”. Có bạn thì lén lén lút lút nấu cơm trong phòng. Cứ lúc nào đi chợ là lại mang ba lô theo để đựng đồ, thành ra trong ba lô bọn nó chả bao giờ thấy sách vở, toàn thấy rau với củ. Xong đến lúc quản lý nhà đi kiểm tra là y như rằng cả khu ký túc lại chạy rầm rập đi giấu đồ, rồi một lát sau thấy nồi niêu xoong chảo thi nhau gõ lách cách leng keng dưới phòng bác quản lý.

Trộm

Ký túc xá chúng tôi nằm trong khuôn viên trường, ở đây, chúng tôi có quản lý của từng khu nhà và quản lý của cả ký túc xá, ít nhiều có thể đảm bảo được an ninh khu ký túc. Tuy nhiên, tệ nạn trộm cắp lại diễn ra rất phổ biến, thậm chí là như cơm bữa. Cứ sáng dậy kiểm tra lại thấy cửa trong tình trạng bị cạy khóa, và nếu như tối hôm trước phòng nào quên khóa cửa thì sáng hôm sau kiểu gì cũng sẽ có người bị mất đồ. Vài lần, tôi và mấy người bạn cùng phòng còn bị đánh thức bởi những tiếng động lạch cạch nơi chốt cửa lúc tờ mờ sáng, trên mặt kính cửa còn in rõ bóng người do đèn cao áp bên ngoài hắt vào. Những lúc như thế, chúng tôi mặt cắt không còn giọt máu, chỉ biết nằm im thin thít chờ trời sáng. Những sinh viên như chúng tôi, tài sản lớn chỉ có cái laptop và chiếc điện thoại cục gạch, không may bị trộm thì chỉ biết bưng mặt khóc, chả biết kêu ai, cũng chả biết đòi ai, cuối cùng lại quay về mách mẹ... Nhiều bạn còn sợ không dám kể cho bố mẹ nghe, lại lăn lưng ra làm thêm hết chỗ này chỗ kia để mua lại cái mới mà dùng. Xong vừa mua về, sáng hôm sau lại thấy đồ không cánh mà bay.

Hình minh hoạ: trộm luôn là nỗi lo đối với các sinh viên sống trong ký túc xá, đặc biệt là sinh viên nữ. Hình sưu tầm.

Mất nước

Rồi lại có những ngày tháng mà ký túc mất nước triền miên, chúng tôi lại kêu nhau tìm đủ các loại vật dụng có thể chứa nước để tích trữ nước dùng qua ngày. Có những hôm mà mấy bạn phải chia nhau cốc nước để đánh răng, rồi lân la sang các phòng bên cạnh xin nước, rồi lúc chạy sang nhà đứa bạn chơi không quên mang theo mấy chai Lavie rỗng để lấy nước về. Riết rồi cũng quen, cứ lúc nào có nước, mọi người lại lo trữ để hôm sau dùng, lúc nào hết thì lại chia, rồi lại đi xin tứ phía...

Cứ thế, chúng tôi đã trải qua 4 năm ký túc xá ở cùng nhau, vui có, khổ có. Rồi chúng tôi tốt nghiệp, rời ký túc xá, bạn thì lập nghiệp ở đất Hà Nội, bạn về quê xin việc, bạn chuẩn bị cưới, bạn còn đang vật lộn trả nợ môn,vv.

Ở ký túc xá có những cái hay, cũng có nhiều cái bất lợi, nhưng có một điều chắc chắn, đây sẽ là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa trong đời sinh viên của chúng tôi. Bởi nơi đây cho chúng tôi học cách để sống và sống hòa hợp giữa những người không quen biết, cùng ăn cùng ngủ, cùng chia ngọt sẻ bùi, cho chúng tôi những kỷ niệm sinh viên đậm chất sinh viên mà chúng tôi sẽ mang theo trên hành trang trong suốt quãng đường còn lại của cuộc đời.

Trương Thu Hiền