Lấy lại mật khẩu
x

Tiến sỹ đi rửa bát và sự bình đẳng bị khước từ

08/06/2017 | Blacasa Education

Sau đám giỗ là cả chục mâm bát đĩa thay nhau đem ra ngổn ngang khiến bất kỳ ai cũng phải hoảng sợ. Đàn ông thì sau khi ăn xong lại ngồi uống nước, phụ nữa thì lặng lẽ thu dọn và đi rửa bát chén. Rồi tôi đã làm cái việc lẽ ra phải coi là hết sức bình thường thì bị mọi người cho là điên rồ. Nhưng điều làm tôi phải suy nghĩ lại từ chính phản ứng của những người phụ nữ.

Văn hóa Á Đông: Trọng nam khinh nữ

Có lẽ văn hoá Á Đông cũng như vai trò của người đàn ông và phụ nữ trong một gia đình được thể hiện rõ nhất trong những bữa giỗ bàn dịp lễ, Tết.  Văn hoá ấy đã tồn tại ở hầu hết các nước châu Á như Nhật, Hàn, Trung Quốc và Việt Nam hàng nghìn năm nay. Thật khó để thay đổi điều đó, thậm chí ở cả những nước phát triển.

Từ lâu, người phụ nữ được gắn với chức năng nội trợ, nấu cơm, rửa bát. Đàn ông thì lo việc đại sự trong gia đình. Ngay từ khi một đứa trẻ sinh ra, chúng đã được dạy về nét văn hoá ấy. Đặc biệt là ở những vùng nông thôn, khi mà con trai luôn luôn được coi trọng hơn con gái. Bé gái ngay từ nhỏ đã được bố mẹ, ông bà dạy về nữ công gia chánh, nấu ăn, nội trợ, chăm sóc gia đình. Còn bé trai thì được cưng chiều hơn và hầu như không phải làm bất cứ việc nhà gì cả. Bé trai được tôn thờ để sau này nối dõi tông đường.

Nét văn hoá về sự phân biệt giới tính càng ngày càng sâu sắc khi một đứa trẻ lớn lên. Con trai càng lớn lên càng được ngồi mâm cỗ cao hơn. Còn con gái càng lớn thì lại càng gần với cái bếp, càng bị trói buộc bởi rất nhiều những tập tục và định kiến xã hội.

Nào là con gái thì phải biết nấu ăn ngon, chăm sóc con cái tốt, phải biết may vá, biết chịu đựng, và phải lo toan hết việc nhà cửa, chợ búa. Vậy người đàn ông thì làm gì ngoài việc được gán một cách rất mơ hồ "việc đại sự"? Phải chăng nếu như người đàn ông "lỡ tay" làm mấy việc "không đại sự" như nấu cơm, rửa bát thì họ sẽ không làm được "việc đại sự"?

Đấu tranh cho bình đẳng giới

Khi còn nhỏ, tôi đã luôn được chứng kiến những điều như vậy áp đặt lên phụ nữ. Nhưng tôi không hiểu vì sao và tôi cũng nhận thấy có vẻ như tất cả mọi người đều chấp nhận điều đó, kể cả phụ nữ. Tôi cũng chẳng biết hỏi ai, và cho dù có hỏi thì cũng chẳng ai quan tâm tới ý kiến của một đứa trẻ như tôi.

Lớn lên chút nữa, tôi luôn được ngồi mâm trên cùng bố và ông. Tôi vẫn thấy những người phụ nữ từ bà tôi, mẹ tôi, cả chị tôi nữa chẳng mấy khi ngồi cùng mâm trong những ngày giỗ. Tôi cũng đã đủ lớn để hiểu đó là một phần của văn hoá Á Đông tồn tại hàng nghìn năm nay.

Ngày là sinh viên, tôi đã hiểu nhiều hơn về văn hoá, về bình đẳng giới và tôi bắt đầu khó chịu với những nét văn hóa trọng nam khinh nữ. Tôi bắt đầu đấu tranh cho quyền bình đẳng giới. Mặc dù chưa thể làm gì để thay đổi suy nghĩ của những người đàn ông khác nhưng tôi đã cùng những thằng em của mình nhận phần rửa bát trong những đợt giỗ bàn của gia đình. Thoáng một chút nghi ngờ của các chị, các mẹ, rồi chuyển thành những tràng cười vui vẻ. Tôi biết thêm được rằng, rửa bát ngày giỗ là vô cùng mệt mỏi.

Tiến sỹ rửa bát

Giờ tôi đã có tấm bằng tiến sỹ nước ngoài. Một lần về quê ăn giỗ, tôi lại xung phong đi rửa bát cùng những đứa em của mình. Lần này bắt đầu là sự chú ý của tất cả mọi người. Có lẽ một anh chàng tiến sỹ thì không hợp lắm với việc rửa bát. Chỗ của tôi có lẽ là ngồi vào bàn nói chuyện “đại sự” gì đó với những người đàn ông khác. Nhưng tôi vẫn cương quyết muốn nhận phần rửa bát vì đơn giản tôi nghĩ là tôi đã không nấu nướng được gì nên phần việc còn lại là của tôi.

Tôi cùng những thanh niên khác trong nhà (1 nam 1 nữ) kiên quyết nhận phần rửa bát mặc cho sự phản đối của mọi người trong nhà.

Điều làm tôi ngạc nhiên không phải là từ những người đàn ông, vì họ vẫn như vậy, mà là từ chính những người phụ nữ trong nhà. Họ là những người đầu tiên và mạnh mẽ nhất ngăn việc tôi rửa bát. Tôi không hiểu vì sao cả, tôi đã tưởng rằng đó là điều họ mong đợi, là điều hết sức bình thường để thể hiện một sự công bằng không phân biệt giới tính. Nhưng có vẻ như họ ngại một điều gì đó, sợ sự đánh giá của người khác nhìn vào chăng? Hay ngoài giới tính đàn ông của mình thì cái bằng tiến sỹ cũng là điều gì đó khiến việc tôi rửa bát là không phù hợp? Mặc dù vậy tôi vẫn cùng những thanh niên khác trong nhà rửa hết đống bát đĩa ngổn ngang. Thực sự rất mệt và đau lưng.

 

Chúng tôi thực sự mệt lả người sau khi rửa xong những chồng bát đĩa đầy dầu mỡ và mật với bánh chưng. Nhưng dù sao mọi người đều cảm thấy vui vẻ.

Dĩ nhiên việc tôi làm không có ý nói rằng những người phụ nữ trong gia đình tôi không đảm đang. Thực sự hàng chục năm qua họ đã làm quá nhiều rồi. Và dĩ nhiên tôi cũng sẽ luôn giúp đỡ những người phụ nữ bên cạnh mình những việc "nhỏ nhặt" như nấu cơm, rửa bát, quét nhà và chăm sóc con cái bất kể khi nào có thể. 

Kết

Qua việc chia sẻ câu chuyện của mình, tôi chỉ muốn gửi đi hai thông điệp mà thôi.

  • Thông điệp dành cho những nam thanh niên trẻ rằng, là người đàn ông thì hãy giúp đỡ phụ nữ, không chỉ những việc to lớn mà ngay cả những việc nhỏ nhất như công việc nhà. Vì thực sự để làm được việc lớn thì phải làm được những việc nhỏ trước, phải biết giúp đỡ những người phụ nữ và hãy cố gắng giành được sự tôn trọng cao nhất từ họ bằng việc tôn trọng họ trước.

  • Thông điệp thứ hai là dành cho những người phụ nữ của chúng ta rằng, phụ nữ là những người tuyệt vời, nhưng điều đó không có nghĩa là phải hi sinh tất cả, phải làm tất cả những công việc gia đình mà không lên tiếng đòi quyền bình đẳng. Hãy để những người đàn ông giúp mình, và nếu họ quên, hãy nhắc họ. Thời đại mới rồi, không ai nhìn vào việc đó mà đánh giá phụ nữ cả.

Văn hoá thì khó có thể nói là đúng hay sai, nhưng đấy là trong trường hợp chúng ta giữ chúng ở mức độ vừa phải, không ảnh hưởng tới cuộc sống hiện tại. Nhưng có vẻ như có rất nhiều nét văn hoá ở Việt Nam đang quá nặng nề và chúng ta thực sự có thể thay đổi để thích nghi với cuộc sống, giáo dục hiện đại.

Nguyễn Tuấn Nam
Tiến Sỹ CNTT tại CHLB Đức

Chú ý: Bài viết này thuộc bản quyền của Blacasa Việt Nam. Mọi sao chép, trích dẫn phải ghi rõ nguồn từ www.blacasa.vn kèm link bài viết gốc.