Lấy lại mật khẩu
x

Tổn hại lâu dài của việc ép trẻ ăn "thêm một miếng nữa"

27/04/2018 | Blacasa Education

Việc ép trẻ ăn có thể dẫn tới các tác động lâu dài, đặc biệt là khi trẻ bị ép ăn những thức ăn trẻ không thích. Nói “thêm một miếng nữa thôi” nghe có vẻ vô hại, nhưng thực tế nó lại gây nhiều tổn hại tới trẻ hơn bạn tưởng tượng. Bạn có nên ép trẻ ăn không? Câu trả lời ngắn gọn là “Không” và sau đây là những nguyên nhân tại sao việc ép ăn lại nguy hiểm.

Ép ăn ở trẻ không có hiệu quả và không mang lại tác dụng tích cực

Mỗi phụ huynh ở một thời điểm nào đó hoặc có thể trong mỗi bữa ăn, sẽ lo lắng về việc con mình ăn không đủ no hoặc không ăn đủ rau xanh. Khi thấy trẻ gạt đồ ăn trong bát, hoặc than phiền rằng chúng không muốn ăn, hoặc xin phép không ăn, chúng ta có thiên hướng sẽ nói một số câu nghe có vẻ vô hại như là “ăn thêm vài miếng nữa thôi” hoặc:
“Ăn hết cơm của con đi”
“Ăn 3 miếng nữa thôi”
“Ăn hết bữa tối đi”
“Nếu con không ăn hết thì không được rời khỏi bàn ăn”
“Nếu không ăn hết cơm, con sẽ không được ăn tráng miệng”
“Ăn thêm 4 miếng rau nữa và 2 miếng gà là con ăn xong rồi”

 

Những câu nói như thế này, dù được dùng thường xuyên như thế nào trong gia đình bạn, chúng thực ra không có tác dụng, hoặc nếu có thì phụ huynh cũng phải chật vật để khiến trẻ ăn theo ý mình. Trong gia đình tôi, những câu nói này không có tác dụng. Việc ép trẻ ăn không những không có tác dụng, việc đó còn khiến trẻ thêm khóc quấy, cáu giận và có những biểu hiện không hợp tác khác. Thực tế, ép trẻ ăn đồ ăn trẻ không thích hoặc khi trẻ không đói sẽ gây tổn thương cho trẻ bởi những lí do sau.


Có gì không tốt ở việc ép trẻ ăn?
Dù ta có thích hay không, trẻ chỉ ăn khi đói hoặc chỉ ăn cho đến khi chúng cảm thấy no, mặc dù chỉ là sau vài miếng cơm hoặc một phần ăn mà phụ huynh cho rằng còn chưa đủ. Trẻ có cách nhận biết dễ dàng khi no hoặc không đói, điều mà hầu hết người trưởng thành đều từng có. Trẻ em có một BỘ CẢM BIẾN ở bên trong ĐIỀU KHIỂN CƠ THỂ và gửi tín hiệu đến não bộ để cảnh báo khi chúng đói, khát hay no. Chúng ta đều có cơ chế này, nhưng có lẽ nó không hoạt động nhạy bằng hồi bé.
Tại sao lại thế? Bởi vì việc ăn vượt quá ngưỡng cảnh báo no hoặc bị ép phải ăn khi chúng ta không thích đồ ăn khi còn bé đã làm thay đổi cách bộ phận cảm biến này hoạt động trong cơ thể chúng ta. 

 

Tôi rất bực mình khi con tôi không ăn
Một loạt các cảm xúc sẽ thử thách và ảnh hưởng đến tâm trạng phụ huynh trong bữa ăn, và trong khi trung tâm của những cảm xúc này chính là việc lo lắng trẻ sẽ bị đói, nó bắt nguồn từ tình yêu ta có cho trẻ.Thật dễ dàng để tỏ ra lo lắng khi con bạn ăn không tốt hoặc lo ngại chúng sẽ đi ngủ với cái bụng đói. Bạn có thể cảm thấy khó chịu khi dùng rất nhiều thời gian và tâm huyết để nấu cho trẻ 1 bữa ăn bạn nghĩ trẻ sẽ thích, nhưng chúng lại không thích ăn. Khi con bạn cứ gẩy đồ ăn chứ không ăn thun thút, không phải là cảm giác giận giữ, khó chịu là trung tâm của sự việc, mà chính là tình yêu bạn dành cho trẻ.
Các bậc phụ huynh, đã đến lúc ngừng lo lắng về việc con bạn có ăn sạch bát cơm hay không. Đo lường lượng thức ăn của trẻ không phải là cách đánh giá chính xác và sẽ không có lợi cho trẻ về lâu dài.


Sự thật là, ép trẻ ăn còn mang lại nhiều tổn hại hơn 
Hãy ngừng nói câu “thêm 1 miếng nữa thôi”. Hãy để trẻ tự lắng nghe cơ thể mình và đi theo những dấu hiệu tự nhiên để không làm rối loạn các nhịp điệu tự nhiên của cơ thể trẻ. Trẻ em, khác với thanh thiếu niên hay người trưởng thành, sẽ nghe theo các dấu hiệu tự nhiên của cơ thể và ăn khi chúng đói và dừng lại khi no. Nếu bạn ép con ăn nhiều hơn, bạn đang thay đổi cơ quan cảm nhận tự nhiên này trong não trẻ để trẻ ăn nhiều hơn.
Cảm giác khi ta đầy bụng hay cần phải cởi nút khoá quần, đó là những biểu hiện không tốt. Bạn biết những cảm giác này phải không? Sau khi ăn quá nhiều, việc tiêu hoá và cảm giác no sẽ cho ta những cảm giác khó chịu. Ngừng việc ép trẻ ăn.

Ép trẻ ăn dẫn tới những tác hại lâu dài. Ảnh nguồn Internet.


Khi bạn bảo trẻ phải ăn gì và ăn bao nhiêu, kể cả khi chúng nói rằng chúng không đói hoặc đã no rồi, các dấu hiệu bên trong của trẻ về cảm giác đói sẽ bị lẫn lộn. Dần dà, việc ăn quá nhiều lại trở thành dấu hiệu bình thường khi ta ép trẻ ăn nhiều hơn mức chúng muốn 1 cách thường xuyên. 
Khi trẻ được dạy bỏ qua những tiếng nói và dấu hiệu từ bên trong cơ thể, chúng dần bắt đầu ăn nhiều và có thể dẫn đến các lo ngại về cân nặng, béo phì, ảnh hưởng đến sự tự tin cũng như hình ảnh cá nhân của trẻ. 


Hãy ngừng việc cho trẻ đồ ăn vặt quá nhiều
Đồ ăn vặt có thể là 1 phần trong ngày của trẻ, nhưng đó không phải thức ăn nên không nên cho trẻ ăn suốt ngày. Ăn liên tục cũng sẽ làm các dấu hiệu tự nhiên trong cơ thể của trẻ trở nên ít nhạy bén hơn và ăn không có sự chú tâm sẽ là 1 thói quen xấu.
Hãy cho trẻ ăn các đồ ăn vặt lành mạnh và dễ đầy ví dụ như hoa quả, phô mai, bơ lạc và bánh quy, rau củ. Đồ ăn vặt chỉ nên ăn vào giữa buổi sáng và chiều, hoặc cách 2-3 giờ giữa các bữa ăn. Tách giờ ăn vặt cách các bữa ăn chính sẽ giúp trẻ ăn được vào các bữa chính dễ hơn. 
Nếu bạn cho trẻ ăn các đồ ăn vặt không lành mạnh như bim bim, đồ uống và đồ ăn đóng gói, những đồ ăn này sẽ không làm trẻ no và chúng sẽ xin ăn thêm ngay sau khi ăn hết mà không chịu được đến giờ ăn bữa chính. 


Đồ ăn không phải là phần thưởng và không nên dùng làm đồ hối lộ
Khi bạn treo phần thưởng cho việc ăn uống, ví dụ trẻ sẽ được thưởng nếu ăn hết rau hay thịt gà, chúng sẽ bắt đầu kết nối những thức ăn đó theo cách tiêu cực, vì người lớn đang cố tình hối lộ trẻ để ăn những món đó.
Ví dụ, “Ăn thêm 3 miếng đậu nữa thôi là con sẽ được ăn kem”. Kiểu hối lộ như vậy sẽ khiến trẻ dần không thích ăn đậu.


Bạn không phải là đầu bếp nấu theo yêu cầu
Hãy nấu 1 món chính mà cả nhà cùng có thể ăn được. Chỉ vậy thôi. 
Đừng làm những đồ ăn riêng cho trẻ theo những lựa chọn về đồ ăn của trẻ, mà hãy kết hợp 1 loại đồ ăn trẻ thích vào món chính bạn nấu, bạn biết con sẽ ăn nó. Theo cách này, bạn đảm bảo rằng con có đồ ăn chúng thích ăn và sẽ tìm đồ ăn đó, ngoài ra chúng còn có những lựa chọn khác nếu vẫn còn đói.

Hãy lập những giới hạn rõ ràng liên quan đến đồ ăn
Hãy cho trẻ biết khi trẻ rời bàn ăn vào giờ ăn có nghĩa là bữa ăn đã kết thúc và trẻ sẽ không thể ăn thêm được nữa. Hãy hỏi trẻ và nói rõ:
“Con đã ăn no chưa? Khi con rời khỏi bàn ăn có nghĩa là con ăn xong rồi và sẽ không còn đồ ăn nữa đâu”. “Bụng con đã no chưa hay vẫn đang đói? Bữa tối sẽ hết khi con ra khỏi bàn, nếu con vẫn đang đói thì hãy ăn cho đến khi con no nhé!”. Hãy cho trẻ suy nghĩ về những gì bạn vừa nói và cho phép trẻ quyết định về việc chúng đã no bụng hay chưa, hay về việc chúng đã ăn xong hay chưa.

Trách nhiệm của phụ huynh là làm và cho trẻ ăn đồ ăn đủ dinh dưỡng, lành mạnh; phụ huynh không có trách nhiệm quyết định trẻ ăn bao nhiêu mỗi bữa.
Chỉ có trẻ mới có thể nói cho bạn biết, nếu bạn để chúng lắng nghe cơ thể mình, nếu trẻ đói hay khi trẻ no. Hãy tin tưởng con bạn biết cơ thể của chúng và hãy an tâm biết rằng miễn là bạn cho trẻ ăn đồ ăn đủ dinh dưỡng, điều đó sẽ đáp ứng được nhu cầu cơ thể trẻ cần.

Chia sẻ bởi Huấn luyện viên Montessori Quốc Tế lứa tuổi 0-3 Skye Nichole Dodson
Thank teacher so much!
Nguồn Facebook: Lương Thu