Lấy lại mật khẩu
x

TS Vũ Thu Hương: Nhiều cha mẹ Việt sai trầm trọng vì 1 tư tưởng đã bị bóp méo, bắt đầu từ năm 2007-2008

28/02/2022 | Blacasa Education

Chuyên gia giáo dục tiểu học, TS Vũ Thu Hương chia sẻ như vậy sau khi phát ngôn của chị được rất nhiều phụ huynh đồng tình nhưng cũng vấp phải những ý kiến phản đối.

Biến tướng trầm trọng

- Theo chị, “giáo dục bằng khuyên nhủ” ở Việt Nam bắt đầu từ khi nào?

TS Vũ Thu Hương: Từ xa xưa, người Việt vẫn quan niệm: “Yêu cho roi cho vọt/ Ghét cho ngọt cho bùi”. Câu nói ngắn gọn nhưng khái quát hết tinh hoa giáo dục. Cha ông xưa dạy con dựa trên thưởng, phạt rất phân minh.

Nhưng khi truyền đến thế hệ sau, mọi người gần như đã quên hết nghĩa bóng. Họ quay sang hiểu nghĩa đen, đánh đồng "cho roi cho vọt" có nghĩa là "đánh".

Suốt một thời gian khá dài, bố, mẹ, thầy, cô… đều lạm dụng bạo lực. Dần dần, khi mọi người ý thức được cách giáo dục roi vọt là quá sai lầm, thì khoảng 2007-2008 bắt đầu xuất hiện tư tưởng “kỷ luật tích cực”.

Bản chất cách dạy trẻ này vẫn có thưởng, phạt rõ ràng. Nhưng bởi vì quá lâu rồi người ta luôn nhầm lẫn giữa phạt và đánh. Cho nên khi nói phạt, họ nghĩ ngay đến bạo lực. Mà không có bạo lực tức là không phạt.

Dần dần, tư tưởng “kỷ luật tích cực” bị biến tướng, trở thành thứ “kỷ luật vui vẻ”.

Giáo dục nước ta lệch hẳn sang hướng không phạt mà chỉ có thưởng và khuyên nhủ.

 

TS. Vũ Thu Hương.

Lệch lạc vì chắp vá

- Nhưng sâu xa hơn, chị nghĩ điều gì đã tác động và tạo nên sự dịch chuyển đó?

TS Vũ Thu Hương: Đó là vì những kiến thức giáo dục ở trên thế giới được đưa đến và áp dụng một cách rất chắp vá.

Sách dịch khi chuyển đổi ngôn ngữ rất dễ tạo nên cái gọi là “tam sao thất bản”. Hơn nữa, chiến lược giáo dục của một quốc gia là cả hệ thống hoàn chỉnh tựa như ngôi nhà kiên cố. Những cuốn sách, giáo trình… chỉ giống như viên gạch.

Tuy gạch giúp xây nhà, nhưng đâu dễ để người Việt bê hết gạch của nước khác về để xây nên một ngôi nhà mới cho riêng mình? Ngôi nhà của chúng ta đã và đang là sự chắp vá của rất nhiều loại gạch, ngói, bê tông…

Phụ huynh đang có điều kiện tiếp cận với rất nhiều luồng thông tin. Nhưng họ tiếp cận không hệ thống. Và chính sự không đầy đủ là nguyên nhân của lệch lạc. Trớ trêu là càng tiếp cận nhiều, họ càng lệch lạc nhiều.

Khi học tập nước ngoài, người Việt đã quên hẳn việc nói về nghệ thuật phạt của họ.

Điều làm tôi ức chế nhất chính là chính thầy, cô giáo - những người có hiểu biết chuyên môn về cách dạy học sinh - lại bị phụ huynh chi phối. Họ hiểu rất rõ ý nghĩa của việc phạt và vẫn thường than phiền vì không được phạt… nhưng khi lên lớp, chính họ lại không dám phạt học trò. Họ sợ bị xã hội chỉ trích. Họ đã chọn cách giáo dục an toàn nhất cho chính mình chứ không phải cách dạy tốt nhất cho trẻ em.

 

Điểm then chốt của người Đức

- Chị vừa nói đến “nghệ thuật phạt”. Chị có thể giải thích kỹ hơn về điều này?

TS Vũ Thu Hương: Lấy ví dụ ở Đức nhé. Tôi từng sống ở đó 3 năm và con tôi cũng học ở đấy một thời gian. Theo tôi, giáo dục bằng hình phạt là một điểm rất then chốt của người Đức.

Tôi nhớ lúc con gái tôi mới 3,5 tuổi, lần đầu sang Đức và không biết tiếng. Khi bạn ấy đang dùng kéo cắt một cái gì đó thì bị một bạn ngồi cạnh giật mất. Con không biết cần phản ứng lại thế nào nên đã làm luôn một hành động rất bạo lực là lấy kéo cắt vào tay bạn. Vì còn quá bé nên bạn ấy đâu biết làm như thế sẽ gây nguy hiểm cho bạn mình.

Khi tôi đến đón con, thấy bạn ấy đang khóc rất to. Hóa ra, cô giáo đã cho con tôi ngồi một mình một chỗ và bày tỏ sự giận dữ với nó. Cô nói bằng tiếng Đức, nó không hiểu. Nhưng nó hiểu sự giận dữ của cô và hiểu mình đang bị trừng phạt.

Khi về nhà, tôi hỏi vì sao con không được chơi chung với các bạn? Nó nói là vì đã lỡ cầm kéo cắt vào tay bạn mình. Con tôi rất đau khổ chỉ vì không được chơi chung với cả lớp. Nó rất hối hận vì hành động của mình.

 

Theo TS. Hương, giáo dục không hình phạt của Việt Nam có một phần nguyên nhân từ cách chắp vá kiến thức từ nước ngoài. Ảnh: Thanh niên.

 

- Chị có thường phạt con mình như thế?

TS. Vũ Thu Hương: Hồi mới về Việt Nam, con tôi rất thích trò gọt bút chì. Mỗi ngày bạn ấy gọt hết 12 cái bút chì dài 15cm thành cái bút ngắn cũn chỉ 1-2 cm, đầu chì mảnh đến nỗi không thể viết. Ngày thứ nhất, tôi nói nếu con còn gọt bút như vậy sẽ bị phạt. Ngày thứ hai con vẫn gọt nhưng tôi chưa phạt được. Đến ngày thứ 3 tôi phạt con. Một lần và mãi mãi con tôi không bao giờ tái phạm nữa.

Vì con tôi rất thích đi đám cưới, khi đón con đi học về, tôi liên tục ca ngợi đám cưới mình sắp đi khiến con rất thích thú. Bạn ấy bảo: “Mẹ con mình về thay quần áo rồi đi đám cưới đi”. Nhưng tôi nói: “Không, mẹ sẽ đi một mình. Vì con không ngoan, con lại gọt bút chì nên con sẽ phải ở nhà”. Bạn ấy bật khóc.

Và đó là lần đầu tiên con tôi khóc không ngừng nghỉ suốt 2 tiếng vì quá đau đớn.

Khi tôi về, con hỏi: “Đám cưới có vui không mẹ?”. Tôi tiếp tục ca ngợi đám cưới, kể rằng bữa tiệc có rất nhiều tôm rất ngon - món mà con tôi rất thích nhưng hôm nay chỉ vì không ngoan nên bạn ấy đã không được ăn. Và thế là con gái tôi lại ngồi khóc thêm 1 tiếng nữa.

Một năm sau, tôi tư vấn việc đó cho một bạn khác thì con tôi nghe được. Bạn ấy lại khóc. Tôi hỏi vì sao thì nó bảo đến bây giờ vẫn rất đau vì chuyện đó. Giờ bạn ấy đã 21 tuổi. Chuyện trôi qua lâu như thế nhưng con tôi vẫn nói đó là một ấn tượng rất sâu sắc. Mỗi khi nhắc lại, bạn ấy vẫn còn đau.

 

Quan điểm của giáo sư ngành giáo dục Trung Quốc Tiền Văn Trung.

Giáo dục phải có "Đau khổ"

- Nếu là tôi thì có lẽ, tôi sẽ không thể bình tĩnh nhìn con khóc cả tiếng đồng hồ. Và tôi tin, rất nhiều bậc phụ huynh khác cũng không... "nhẫn tâm" làm như chị!

TS. Vũ Thu Hương: Đúng thế. Và tôi gọi đó là sự hy sinh. Chúng ta phải chấp nhận bởi vì giáo dục bản thân nó đã kèm theo "đau khổ".

Khi phạt con thì chính tôi đau lắm chứ! Nhưng nếu không đau, tôi sẽ chỉ có 2 lựa chọn: áp đặt (không mua bút chì nữa) hoặc là bạo hành thôi.

- Nhưng chính con chị cũng rất đau mà, thậm chí nhiều năm sau vẫn còn đau. Cách giáo dục khiến cả phụ huynh và con cái cùng đau đớn như vậy có phải lựa chọn tốt? Liệu chúng ta có còn lựa chọn khác?

TS. Vũ Thu Hương: Không có lựa chọn nào tốt hơn một hình phạt thông minh!

Rõ ràng chỉ là không đi đám cưới thôi mà. Chuyện đó chẳng làm tổn thương tinh thần, hay vật chất của con tôi. Nó đơn giản chỉ để lại cho con một bài học sâu sắc, khiến con tự ý thức và thay đổi.

Tất nhiên, giáo dục khuyên nhủ dễ được đồng thuận lắm vì nó đánh trúng vào tâm lý của phụ huynh. Khi chúng ta khuyên nhủ thì dễ thôi. Nhưng liệu nó có hiệu quả không? Con bạn sẽ ngồi nghe bạn khuyên chứ?

Còn nếu chấp nhận chứng kiến con chịu thiệt thòi, nhìn nó khóc hàng tiếng đồng hồ mà không dỗ thì đó chính là bạn đang thực sự hy sinh đấy.

Ai chẳng muốn con mình được thoải mái mọi mặt. Rồi rất nhiều bố mẹ còn sợ là nếu phạt con như thế thì sẽ bị con ghét. Nhưng nếu phụ huynh hiểu được thật sâu sắc giá trị của việc phạt, chắc chắn họ sẽ chấp nhận hy sinh.

Xin cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện này!

Theo Thu Hường - Trí thức trẻ