Du học tự túc

Cách đây khoảng 10 năm, du học tự túc là một “ khái niệm” khá xa xỉ đối với phần lớn người dân Việt Nam do mức sống chênh lệch rất cao giữa Việt Nam và các nước phát triển. Tuy nhiên, những năm gần đây, đã có ngày càng nhiều các bạn sinh viên mạnh dạn lên đường du học tự túc ngay cả khi không có hỗ trợ tài chính từ gia đình. Vậy khi có ý định du học tự túc chúng ta nên bắt đầu từ đâu và nên quan tâm những vấn đề gì? Bài viết này sẽ cùng các bạn giải đáp thắc mắc.

 

Chọn quốc gia du học

Việc chọn này nên gắn liền với sở thích và ngành bạn mà bạn dự định học. Nếu bạn học tài chính thì có thể tới Anh, học thiết kế thời trang hoặc quản lý khách sạn thì có thể tới Pháp. Bạn cần xác định rõ ngành bạn sẽ học ở nước ngoài để xác định quốc gia mà bạn sẽ nhắm đến.

Bên cạnh sở thích và ngành học, bạn nên quan tâm đến văn hóa, khí hậu và ẩm thực của quốc gia bạn chọn. Nếu văn hóa nơi đó quá khác biệt, nạn phân biệt chủng tộc hoành hành thì đó không phải là một điểm đến tốt. Khí hậu cũng là một vấn đề quan trọng. Nếu bạn chịu lạnh kém hoặc có vấn đề về đường hô hấp, đừng nên đến một đất nước quá giá lạnh. Về ẩm thực cũng vậy, nếu không thể ăn đồ ăn của nước sở tại thì bạn nên cân nhắc lại quốc gia mình sẽ đặt chân.

 

 

Một vấn đề cũng không kém phần quan trọng khác là đất nước bạn đến có cho phép bạn làm thêm đủ nhiều để trang trải tiền học và tiền sinh hoạt hay không. Nhiều quốc gia hạn chế số giờ làm thêm của sinh viên nước ngoài và bạn nên biết rõ điều đó trước khi quyết định.

 

Chọn trường bạn học

Nếu được học ngay ngôi trường tốt nhất và bạn yêu thích nhất thì thực sự là tuyệt vời, tuy nhiên, có ba vấn đề chính mà bạn cần quan tâm khi chọn trường:

  • Hồ sơ của bạn liệu có được nhà trường chấp nhận hay không. Nhiều trường học nổi tiếng có yêu cầu rất khắt khe đối với việc tuyển sinh viên đầu vào. Hãy chắc chắn rằng hồ sơ của bạn đủ các tiêu chuẩn đề ra của nhà trường.

  • Mức học phí của trường liệu có quá cao hay không. Nhiều trường học có mức học phí đặc biệt cao, nhất là với sinh viên nước ngoài. Hãy chắc chắn rằng tiền học phí không vượt quá cao so với khả năng làm thêm và chi trả của bạn.

  • Khi đã giải quyết hai vấn đề nêu trên, vấn đề còn lại là “văn hóa” của các trường. Các trường đại học tại nước ngoài đều có văn hóa riêng và sinh viên tại các trường tự hào về điều đó. Vậy thì bên cạnh ranking của trường, hãy lựa chọn trường học có văn hóa mà bạn cảm thấy thú vị.

 

Tính toán kỹ phương án tài chính

Bạn cần tính toán kỹ phương án tài chính để không bị vỡ kế hoạch khi đi du học tự túc. Hãy bắt đầu bằng các khoản phí cứng như học phí, vé máy bay, tiền nhà ở… sau đó đến các khoản phí mềm như tiền ăn, tiền mua sắm, tiền du lịch. Bạn cũng phải dự trù chi phí dự phòng trong trường hợp bạn phải học lại hoặc phải học tăng cường thêm tiếng trước khi vào học chính thức.

 

 

Sau khi tính toán chi phí xong cho cả quá trình học, hãy tính thu nhập từ làm thêm và các khoản học bổng bạn có thể được hưởng. Nếu nguồn thu của bạn lớn hơn các khoản bạn phải chi trả thì bạn có thể yên tâm được rồi. Nếu không, bạn phải xem xét nguồn tài chính bổ sung sẽ đến từ nguồn nào. Đừng để bị vỡ kế hoạch tài chính khi đang ở một nơi xa lạ.

 

Lường trước những khó khăn bạn có thể gặp phải

Nỗi cô đơn khi xa nhà: Đây thực sự là một vấn đề lớn đối với những bạn quen sống bên cạnh cha mẹ. Hãy tưởng tượng đêm giao thừa mọi người quây quần đón giao thừa còn bạn vội vã bắt tàu cho kịp lên lớp học. Bạn cũng sẽ có bạn bè trong lớp và các cộng đồng học sinh Việt Nam tại các thành phố bạn học, tuy nhiên, cơ hội giao tiếp, gặp gỡ và chia sẻ sẽ hạn chế hơn khi bạn ở Việt Nam rất nhiều

Bất đồng ngôn ngữ: Bạn có thể đã chuẩn bị vốn ngoại ngữ đủ tốt để vượt qua các yêu cầu của nhà trường để được nhận học. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu hiểu bài và hòa đồng thoải mái với bạn bè quốc tế thực sự là một thách thức rất lớn. Nhiều bài học, bạn nghe giảng bằng tiếng Việt đã gặp khó khăn rồi, chưa kể bạn phải nghe nó bằng một thứ tiếng khác. Các bạn học thì thường sử dụng ngôn ngữ hàng ngày hoặc tiếng lóng hơn là ngôn ngữ mà bạn được học khi ở Việt Nam. Vì vậy, bạn sẽ tốn khá nhiều thời gian cho việc hòa đồng về mặt ngôn ngữ.

 

 

Bất đồng văn hóa: Có nhiều hành động ở Việt Nam được xem là bình thường và ở nước khác thì là bất lịch sự và ngược lại. Hãy tìm hiểu kỹ văn hóa đất nước bạn sẽ đến du học để không gặp phải sự lạc lõng không đáng có.  

Lời kết: Bài viết chỉ điểm xuyết một vài vấn đề ban đầu khi bạn quyết định du học tự túc. Khi đã quyết định, bạn phải nghiên cứu chi tiết từng vấn đề. Thời gian để chuẩn bị du học thường tốn 1-2 năm, do vậy, bạn phải có kế hoạch để có thể lên đường ngay khi kết thúc việc học ở Việt Nam.