Kinh nghiệm tìm nhà trọ cho sinh viên năm nhất

Tìm phòng trọ là một quá trình có thể nói là gian nan nhất đối với các tân sinh viên khi nhập học. Việc tìm phòng trọ tiềm ẩn nhiều rủi ro và cần chuẩn bị rất kỹ để tránh phải chuyển phòng quá nhiều lần. Mỗi lần tìm phòng trọ và chuyển phòng trọ đều tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, vì vậy hãy tìm một phòng trọ tốt ngay từ ban đầu để tránh mọi rắc rối về việc chuyển phòng trọ sau này. Dưới đây là các gợi ý chi tiết để giúp các bạn tân sinh viên tìm được phòng trọ tốt nhất cho mình.

Xác định các tiêu chí mong muốn của bạn

Để tìm được nhà trọ, điều đầu tiên là bạn cần xác định các tiêu chí mong muốn của bạn là gì? Bạn có phương tiện cá nhân hay không? Bạn sẽ di chuyển bằng xe đạp, xe máy hay xe buýt ? Có muốn ở chung với chủ nhà hay ở riêng biệt lập? Bạn có thể ở ghép, ở chung với bạn bè hay ở một mình, giá thuê nhà trọ tối đa bạn có thể chấp nhận được là bao nhiêu? Trả lời những câu hỏi đó sẽ giúp bạn cơ bản hình dung về nhà trọ mà mình sẽ thuê để chuyển sang các bước tiếp theo.

Các kênh thông tin tìm nhà trọ

Để tìm được một nhà trọ, bạn có thể phải tìm kiếm hàng trăm phương án, sau đó đi xem hàng chục phương án để có thể chốt được một chỗ ở phù hợp. Các kênh thông tin để bạn có thể tìm được phòng trọ bao gồm:

  • Từ bạn bè người thân: Nguồn này có độ tin cậy cao nhất. Thông tin từ nguồn này giúp bạn biết trước về giá cả phòng trọ, những điểm tốt, những điểm chưa tốt...Hãy chủ động đăng thông tin hỏi anh em bạn bè của mình. Cách làm này sẽ giúp bạn tránh được các rủi ro không đáng có trong quá trình tìm nhà trọ

  • Từ khoa, trường đại học: Nhiều khoa và trường đại học có danh sách nhà trọ cho sinh viên liên hệ. Bạn cũng có thể chủ động hỏi các anh chị khóa trên hoặc đăng tin hỏi tìm phòng trọ trong các group của khoa và trường nếu được phép. Đặc điểm của phương thức này là nếu có ai chỉ phòng thì phòng cũng thường thích hợp với bạn vì gần trường bạn sẽ theo học.

  • Chủ quán nước, xe ôm, bảo vệ: Đừng xem thường nguồn thông tin này. Khi đến một ngõ nào đó bạn chỉ cần hỏi chủ quán nước là biết được khu vực này có nhà trọ cho thuê hay không? Bạn cũng có thể hỏi được giá phòng và các vấn đề liên quan của khu trọ.

  • Đi tìm trực tiếp: Bạn có thể dành ra 1 -2 hôm đi vào khu vực mà bạn muốn tìm nhà để tìm các khu nhà trọ. Để chắc chắn, bạn có thể hỏi quán nước hoặc người dân để trành mất thời gian đi vào các khu không có nhà trọ.

  • Tìm kiếm trên các website, group tìm phòng trọ: Bạn có thể đăng nhu cầu tìm nhà của mình lên các website group tìm phòng trọ hoặc rà soát các thông tin cho thuê nhà trọ trên các group diễn đàn. Lưu ý là thực hiện theo cách này bạn có thể gặp phải rất nhiều cò nhà và phải biết cách làm việc với những cò như thế này.

  • Tin rao vặt, tờ rơi dán cột điện: Thông tin từ kênh này chủ yếu là từ các cò nhà. Hãy xác định bạn có sẵn sàng làm việc với cò nhà hay không. Nếu không, hãy bỏ qua kênh thông tin này.

Chọn lọc và lập danh sách các nhà trọ tiềm năng

Sau khi đã sử dụng các kênh thông tin nêu trên, bạn hãy tập hợp cho mình một danh sách các nhà trọ tiềm năng. Mỗi nhà trọ trong danh sách cần có vị trí, diện tích, mức giá, thông tin liên hệ...Hãy nhập số điện thoại liên hệ lên Zalo và mạng internet để xem có phải là số điện thoại của cò hoặc có liên quan đến thông tin lừa đảo hay không. Nếu chắc chắn hãy gọi điện cho chủ nhà để hỏi các thông tin sơ bộ về nhà trọ như Giá thuê nhà hàng tháng; Tiền điện, tiền nước, wifi; Thời gian đóng mở cửa nhà trọ; Đặt cọc mấy tháng; Có hợp đồng không; Xin hình ảnh phòng trọ (nếu có thể). Nếu các bước hỏi thông tin nêu trên đều êm xuôi thì bạn cần điền danh sách phòng trọ này vào mục các phòng trọ sẽ đi xem thực tế. Nếu thấy các thông tin không được trả lời chi tiết thì bạn nên bỏ qua vì đó là cò nhà.

Hãy chuẩn bị danh sách 5- 10 địa điểm đi xem thực tế để tiến hành một buổi đi xe thực tế và chọn nhà.

Các đánh giá một nhà trọ tốt

Sau khi có danh sách 5-10 điểm tiềm năng, bạn cần tiến hành việc đi xem thực tế phòng trọ. Nên rủ thêm một người bạn nữa nếu có thể để tránh các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình xem nhà. Đừng mang theo quá nhiều tiền, chỉ mang đủ số tiền đặt cọc là được. Hãy thực hiện các bước sau đây đối với mỗi nhà trọ bạn xem để đánh giá được nhà trọ:

  • Để ý xung quanh trước khi vào khu nhà trọ: Xem có quán xá ầm ĩ hay không, nhà trọ có heo hút hay không, xung quanh an ninh và dân trí có tốt hay không, có các biển cảnh báo mất xe hoặc nghiện ngập hay không...Nếu ngay từ bên ngoài đã thấy những điểm bất ổn thì tốt nhất bạn không nên xem thêm bên trên để tránh mất thời gian.

  • Đánh giá bên trong phòng trọ: Khi vào bên trong phòng trọ bạn phải để ý xem phòng trọ có khô ráo, sáng sủa hay không, tường phòng có sạch sẽ hay không, phòng có bị nóng bức hay không (tránh hướng Tây). Hãy dùng thử nhà vệ sinh để xem vệ sinh chung hay vệ sinh riêng, nhà vệ sinh có đảm bảo hay không, nước nôi có sạch sẽ hay không? Hãy để ý cửa rả có chắc chắn hay không. Nên đi một vòng trong khu nhà trọ để xem những người cùng xóm trọ có thân thiện hay không. Tránh các xóm trọ mà dân lao động hoặc các thành phần xã hội phức tạp.

một nhà trọ của sinh viên

Các nội dung cần trao đổi với chủ nhà

Nếu xem phòng bên ngoài và bên trong ổn thỏa, bạn tiến hành trao đổi cụ thể với chủ nhà. Các nội dung chính của việc trao đổi với chủ nhà bao gồm:

  • Chủ nhà có phải là chính chủ hay là người cho thuê lại?

  • Giá tiền nhà là bao nhiêu và có thay đổi theo thời gian hay không? Cần làm rất rõ việc tăng giá theo thời gian bởi lẽ nếu không quy định điều này, chủ nhà có thể để giá thấp thời gian đầu sau đó tăng giá lên rất cao.

  • Tiền đặt cọc là bao nhiêu? Thông thường đối với nhà trọ sinh viên, tiền đặt cọc chỉ là một tháng tiền nhà mà thôi.

  • Tiền điện, tiền nước, tiền wifi như thế nào. Ngoài các khoản tiền nêu trên trong quá trình sử dụng có phát sinh khoản tiền nào khác hay không?

  • Khi muốn chấm dứt việc thuê phòng cần báo trước bao lâu, điều kiện là gì để có thể lấy được tiền đặt cọc.

Tốt nhất bạn nên xin một mẫu hợp đồng để có thể xem xét kỹ và kiến nghị đưa thêm điều khoản nếu bạn cảm thấy các điều khoản trong hợp đồng là chưa thỏa đáng. Đừng ngần ngại điều này vì những thứ không rõ ràng sẽ gây bất lợi cho bạn sau này.

Chọn phòng trọ, đặt cọc và ký hợp đồng

Sau khi đi xem nhà, trao đổi với chủ nhà, bạn nên so sánh các phương án khả dĩ của mình và chốt ngay phương án tốt nhất. Sau khi chốt, bạn cần liên hệ với chủ nhà để đặt cọc giữ phòng và hẹn ngày ký hợp đồng. Khi đặt cọc và chuyển tiền bạn cần yêu cầu giấy biên nhận tiền. Hãy giữ giấy biên nhận này để tránh các rủi ro nếu có sau này. Hãy giữ kỹ hợp đồng để tự bảo vệ quyền lợi của mình sau này các bạn nhé.

Các hình thức lừa đảo cần lưu ý

Thông thường trong quá trình tìm nhà trọ bạn có thể gặp phải các hình thức lừa đảo sau đây:

  • Cò môi giới lừa đảo: Có nhiều đơn vị môi giới tốt nhưng cũng có nhiều cò môi giới lừa đào. Mánh của các cò này là bạn đưa cho họ một số tiền (500,000 VND - 1,000,000 VND) sau đó họ sẽ dẫn bạn đi xe nhà đến khi bạn ưng được một căn nhà. Thông thường họ sẽ có vài căn nhà nhưng không căn nào đáp ứng yêu cầu của bạn cả. Cuối cùng bạn sẽ chịu mất số tiền nêu trên mà không tìm được một căn nào ưng ý.

  • Lừa tiền cọc giữ phòng: Hãy chắc chắn người mà bạn trao đổi là chủ nhà trọ và bạn đã có giấy biên nhận khi đưa tiền cho họ. Hãy chuẩn bị sẵn giấy biên nhận trước khi đi xem nhà để mang ra sử dụng luôn khi đưa tiền cọc giữ phòng.

Lừa ký hợp đồng giả và lấy tiền cọc và tiền thuê nhà tháng đầu: Trường hợp này ít xảy ra vì để lừa đảo được như vậy thì kẻ lừa đảo cần chuẩn bị công phu các kịch bản. Tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng người bạn đưa tiền và ký hợp đồng là chủ nhà nơi bạn ở trọ. Muốn biết điều này thì dễ nhất là bạn hỏi ngay các phòng trọ bên cạnh để nắm được thông tin.