Làm sao để trẻ biết xin lỗi mỗi khi làm sai
Trong cuộc sống thứ mà ai cũng dễ mắc phải là tạo ra những sai lầm. Và với trẻ em, việc đó còn xảy ra thường xuyên như “cơm bữa”. Sẽ không có bà mẹ nào có thể dạy con không mắc lỗi nhưng lại phải dạy con biết xin lỗi mỗi khi làm sai. Vậy nên làm cách nào hướng dẫn cho trẻ?
Tâm lý của trẻ khi mắc lỗi
Thông thường, bất cứ ai khi mắc phải lỗi lầm thường có tâm lý e ngại, sợ hãi, trẻ khi gây ra sai lầm cũng vậy. Chúng sợ bị người khác phát hiện ( nhất là người lớn) vì chúng không muốn phải nhận lại những lời mắng nhiếc hay hình phạt nặng nề nào đó….
Trẻ thường có xu hướng cãi lại và không nhận lỗi hoặc cố tình đổ lỗi cho người khác để mình không phải đối diện với sai lầm. Điều này sẽ gây khó khăn cho người lớn vì trẻ không nhận thì không thể chắc chắn rằng chúng có “tội” nên cần bị trừng phạt.
Khi trẻ mắc lỗi chúng luôn sợ bị mắng nhiếc và trừng phạt
Nhưng điều tồi tệ nhất là có nhiều trẻ nhất quyết không biết xin lỗi và nhận sai rồi lâu ngày chúng thành ra “kì thị” với chính bản thân mình, tự nghĩ mình là người thừa trong gia đình, không được bố mẹ yêu thương, suốt ngày bị nghi ngờ mắc lỗi, phạm phải sai lầm…
Vì thế điều quan trọng là bố mẹ phải thấu hiểu được tâm lý khi trẻ mắc lỗi, định hướng giúp trẻ biết xin lỗi và rèn luyện thói quen tự giác, biết nhận sai khi mắc lỗi của trẻ.
Làm sao để trẻ biết xin lỗi mỗi khi làm sai?
Luôn dạy trẻ biết xin lỗi là dũng cảm
Bố mẹ hãy xem trọng việc giáo dục con biết xin lỗi bất cứ lúc nào không phải cứ đợi đến lúc con mắc lỗi mới dạy con xin lỗi. Điều này sẽ dần tạo ra cách ứng xử tốt cho trẻ, giúp cho mẹ dễ dàng hơn khi phân xử đúng - sai; lỗi - phải.
Dùng tâm lý thoải mái để phân tích lỗi lầm của con
Khi con mắc lỗi, bạn hãy bình tĩnh hỏi han chuyện gì đã xảy ra, không đề cập ai đúng - ai sai mà phải lắng nghe câu chuyện của con. Sau đó, hãy dùng tính khách quan để phân tích cho con hiểu bất cứ cuộc cãi lộn nào diễn ra thì cả hai bên đều là người sai.
Hãy dùng những lời lẽ nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc để trẻ tự thấy cần phải xin lỗi người đối diện, giúp trẻ hiểu ra xin lỗi không phải là hèn nhát mà là cách ứng xử đáng khen của con người dũng cảm. Ai gây ra lỗi lầm và biết xin lỗi thì mới là anh hùng, đáng được ngưỡng mộ.
Tuyệt đối không ép trẻ nhận lỗi
Bạn không nên bắt trẻ phải nhận lỗi về mình ( kể cả trẻ đã làm sai thật) bởi cách này sẽ đẩy trẻ vào “đường cùng”, khiêu khích với tính ương bướng của trẻ. Có nhiều trẻ vì bị ép buộc phải nhận lỗi mà chỉ cố nói lời xin lỗi ngoài miệng chứ bên trong thì cảm thấy vô cùng khó chịu.
Thường xuyên nói lời xin lỗi với con
Bố mẹ chính là tấm gương phản ánh lên con, bởi thế nếu bố mẹ muốn con tự giác biết nói lời xin lỗi thì chính phụ huynh phải là người biết thực hành xin lỗi.
Thẳng thắn nói lời xin lỗi con khi mắc sai lầm với trẻ
Việc cha mẹ dạy con phải biết xin lỗi người khác khi gây ra lỗi lầm nhưng lại không chịu nhận sai, nghĩ mình là bề trên, quyết không chịu xin lỗi con trong những tình huống mình mắc lỗi thì sẽ không bao giờ giúp trẻ học cách nói lời xin lỗi đúng nghĩa.
Bố mẹ nên hiểu rằng, nói lời xin lỗi cũng là cách thể hiện việc tôn trọng con và tạo sợi dây gắn kết giữa mẹ và con.