Một buổi dạy gia sư diễn ra như thế nào

Đối với các bạn sinh viên chưa có kinh nghiệm gia sư thì hẳn các bạn sẽ thắc mắc một buổi dạy gia sư sẽ diễn ra như thế nào. Hiển nhiên là không thể có một “công thức” chung dành cho tất cả các buổi dạy. Tuy nhiên, để một buổi dạy hiệu quả thì người dạy cần biết đến trình tự chung của tất cả các buổi dạy. Hãy tham khảo thêm bài viết Kiến thức của một gia sư giỏi để nắm rõ hơn công việc của một gia sư.

 

Trình tự được nêu dưới đây không phải là khuôn mẫu áp dụng cho tất cả các buổi học gia sư. Buổi học luyện đề sẽ khác với buổi học kiến thức hoặc buổi học ôn bài cũ. Buổi học ngôn ngữ sẽ khác với buổi học tự nhiên và xã hội. Gia sư phải căn cứ vào đặc điểm cụ thể của lớp gia sư mình dạy để đưa ra một “format” tốt nhất cho buổi dạy của mình.

Hoạt động khởi động một buổi học

Để học viên chuyển từ tâm thế vui chơi sang tâm thế học tập, gia sư cần có các hoạt động khởi động buổi học để học viên sẵn sàng học tập. Đối với hoạt động này, gia sư có thể hỏi thăm về tình hình học bài trên lớp, tình hình các bài kiểm tra sắp tới hoặc các hoạt động liên quan đến trường lớp. Hoạt động này sẽ kéo dần tâm trí học viên lại gần với buổi học, nâng cao khả năng tiếp thu và hiệu quả của buổi học.

Hoạt động kiểm tra và bổ trợ kiến thức

Sau hoạt động khởi đầu buổi học, gia sư nên tiến hành kiểm tra bài học buổi trước và bài học học viên vừa học trên lớp. Nếu học viên quên kiến thức nào thì cần bổ sung ngay. Gia sư nên khuyến khích học viên đặt các câu hỏi để làm rõ bản chất của bài học. Cũng thông qua một số câu hỏi, gia sư có thể kiểm tra mức độ hiểu bài của học viên. Thông thường trên lớp học, số lượng học viên lớn nên các học viên ít có cơ hội được đặt câu hỏi khi có thắc mắc. Nhiều khi, học viên vì làm việc riêng trong giờ học mà sẽ không để ý và nắm được một kiến thức nào đó. Vì vậy, nhiệm vụ chính của hoạt động này là đảm bảo học viên đã hiểu hết bản chất và các kiến thức học trên lớp.

Hoạt động kiểm tra và bổ trợ kiến thức

 

Hoạt động luyện tập và vận dụng kiến thức

Sau khi kiểm tra và bổ trợ kiến thức, gia sư cần giao bài tập để học viên luyện tập và vận dụng kiến thức. Các bài tập cần tập trung vào kiến thức đã học để giúp học viên hiểu rõ bản chất vấn đề và nhớ bài lâu hơn. Không nên sử dụng các bài tập quá khó mà nên tập trung vào các bài tập giúp ôn luyện kiến thức hiệu quả. Gia sư có thể sử dụng các bài tập trong sách giáo khoa hoặc sưu tập thêm các bài tập từ các nguồn khác. Bài tập khó chỉ dành cho các học viên học nâng cao hoặc sau khi đã hiểu rất rõ các vấn đề của bài học.

Hoạt động luyện tập và vận dụng kiến thức

Hoạt động tìm tòi, mở rộng và định hướng bài học mới

Trước khi kết thúc buổi dạy, gia sư có thể mở rộng vấn đề để học viên tìm tòi thêm, nhất là với các môn khoa học tự nhiên. Đồng thời, gia sư cũng giới thiệu các kiến thức học viên sẽ gặp phải trong buổi học tiếp theo để các em định hình trước kiến thức sẽ học. Có như vậy, khi tiếp xúc bài học mới trên lớp, học viên sẽ không bị bỡ ngỡ mà ngay lập tức nắm bắt được các vấn đề chính cần tiếp thu.

Như vậy, để tiến hành các buổi dạy hiệu quả, gia sư cần nắm vững lộ trình học hành của học viên, các kiến thức học viên được học trên lớp và mục tiêu học gia sư của học viên. Cần xây dựng được một lộ trình học tập và bám sát theo lộ trình đó. Công việc của gia sư chỉ thực sự có ý nghĩa khi mục tiêu đề ra của phụ huynh - gia sư - và học viên đạt được sau quá trình dạy học của gia sư.