Tâm lý học sinh cấp 2

Học sinh cấp 2 có độ tuổi 12 -15 tuổi. Đây là lứa tuổi các em bước vào lứa tuổi dậy thì và có rất nhiều biến đổi về tâm lý và thể chất. Cha mẹ cần đồng hành cùng các em trong giai đoạn này để cùng các em trưởng thành.

Lứa tuổi tư duy phát triển mạnh

Ở lứa tuổi THCS, các em đã có khả năng phân tích và tổng hợp khi đối diện với các sự kiện trong cuộc sống. Các em ở lứa tuổi này có khả năng ghi nhớ từ ngữ và tài liệu. Các em đã biết so sánh, phân loại, hệ thống hóa trong quá trình ghi nhớ. Tốc độ và khối lượng ghi nhớ của các em cũng tăng lên.

Học sinh thcs.

Tuy nhiên, ở lứa tuổi THCS, khả năng tập trung của các em không ổn định. Mức độ tập trung của các em phụ thuộc vào tính chất môn học và mức độ hứng thú của các em đối với vấn đề mà các em đối diện. Chính điều này làm xảy ra tình trạng các em học tốt một số môn những một số môn các em hoàn toàn không có khả năng ghi nhớ và làm bài tập.

Vì vậy, cha mẹ cần có sự liên hệ chặt chẽ với thầy cô để tạo hứng thú cho trẻ ở tất cả các môn học trên trường lớp. Cha mẹ có thể cho trẻ tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa và hoạt động cộng đồng để trẻ có hứng thú học hành đối với những môn học khô khan.

Các em dần hình thành “ cái tôi”

Nếu như ở lứa tuổi tiểu học các em đều nghe lời cha mẹ và tuân thủ sự quản lý giám sát của cha mẹ thì khi trẻ bước vào cấp 2, trẻ thường có xu hướng không muốn bị kiểm soát và chỉ muốn hành động theo suy nghĩ của mình. Nếu cha mẹ vẫn cố áp đặt, trẻ sẽ trở nên lạnh lùng, xa lánh và bất hợp tác với cha mẹ.

Ở lứa tuổi này, cha mẹ cần tìm cách gần gũi với trẻ, trở thành người tư vấn cho các quyết định của trẻ hơn là đưa ra các quy tắc và áp đặt trẻ phải tuân theo. Cha mẹ cần đồng hành, tham gia cùng trẻ nhiều hoạt động trong cuộc sống, chia sẻ sở thích với trẻ, từ đó, đưa ra những lời khuyên xác đáng và phù hợp cho trẻ vào thời điểm thích hợp.

Bắt đầu nhạy cảm về giới tính

Vào cấp 2, trẻ có thể đã bắt đầu thích một cô cậu nào đó. Cách cư xử của trẻ trở nên không còn vô tư mà thường có biểu hiện ngượng ngùng. Trẻ có thể xao nhãng việc học hành hoặc xao nhãng mối quan hệ với gia đình vì đang thích một ai đó. Nhiều trẻ ở giai đoạn này sa sút về học hành.

Đối diện với tình huống này, cha mẹ cần trở thành người bạn tâm giao với trẻ. Không nên cấm đoán mà hãy lắng nghe suy nghĩ của trẻ, chia sẻ với trẻ những câu chuyện ngày xưa của mình để tranh thủ sự tin tưởng của trẻ. Cần hết sức chú ý tránh cho những vấn đề này ảnh hưởng đến tâm lý non nớt của trẻ.

Trên đây chỉ là 3 trong số nhiều vấn đề tâm lý của học sinh cấp 2. Mỗi bậc cha mẹ cần dành thời gian và tâm sức để đồng hành cùng trẻ trong giai đoạn nhảy cảm này.