Lấy lại mật khẩu
x

Hà Nội: "Dở khóc dở cười", vừa đi học trực tiếp đã quay về vì có F0

16/02/2022 | Blacasa Education

Nhiều học sinh Hà Nội mới học trực tiếp vài hôm đã phải quay về học online vì lớp có F0. Thầy cô vừa căng mình duy trì việc dạy học on/off kết hợp trong tình hình mới.

Vừa đi học trực tiếp vài hôm đã phải quay về vì F0

Con vừa đi học mấy hôm, đang phấn khởi vì sau hơn 9 tháng phải học online, nhưng ngay lần đầu đến trường học trực tiếp, anh Quang Huy (Thanh Xuân, Hà Nội) lại phải cho con trai tạm nghỉ ở nhà mấy hôm vì ở lớp ngồi ngay sau một bạn F0.

"Đến nay, lớp con đã có 3 ca F0 và một số bạn như con trai tôi được xác định có liên quan. Các con tiêm rồi, mấy bạn "dính F0" cũng có triệu chứng nhẹ. Phụ huynh chúng tôi chấp nhận sống chung nhưng vẫn mong mọi thứ sớm trở về quỹ đạo", anh Huy nói.

Anh Quốc Tuấn (quận Hà Đông) cũng cho hay, sau hai buổi học trực tiếp ở trường, lớp con trai anh có hai bạn là F0. Nhà trường khoanh vùng các bạn ngồi gần, cho ở nhà học online theo dõi một tuần. Thấy sức khỏe con bình thường, không "nhảy F" nên tuần này lại được đi học trực tiếp. 

 

Nhiều học sinh phải quay về sau vài ba ngày học trực tiếp vì lớp có ca F0 (Ảnh: M. Hà).

Chia sẻ với PV Dân trí, ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường Lô-mô-nô-xốp cho biết, sau một tuần học trực tiếp, nhà trường hiện có 78 học sinh và 7 cán bộ nhân viên, giáo viên F0. Toàn trường có 6 lớp trực tuyến từ khối 7 đến khối 12, sĩ số 25-37 học sinh/lớp. Tổng số học trực tuyến hiện nay là 216 học sinh.

Ông Trần Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh cũng nói với PV Dân trí, hiện nhà trường có khoảng hơn 50 học sinh và cán bộ giáo viên là F0.

"Mới học được dăm hôm, nhà trường phát hiện một lớp 12 có 8 học sinh là F0 nên riêng lớp này nghỉ, học online tại nhà một tuần. Còn lại các lớp khác vừa học trực tiếp kết hợp trực tuyến", ông Bình nói.

Sau tuần đầu tiên đi học trực tiếp, nhiều trường học ở Hà Nội phát hiện các ca F0 nên đã rà soát các em tiếp xúc gần để khoanh vùng F1, cho cách ly tại nhà và cho các em tham gia học trực tuyến, duy trì lịch dạy học của lớp đó, không đóng cửa toàn bộ lớp/trường học như trước đây.

Lo thiếu giáo viên nếu F0 tăng nhanh

Việc kết hợp dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến là tất yếu trong tình hình người dân và toàn xã hội thích ứng để "sống chung với dịch" như hiện nay.

Tuy nhiên, khi dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến, giáo viên phải xử lý nhiều sự cố dở khóc dở cười. Thầy cô phải "phân thân" vì vừa theo dõi học sinh trên lớp, vừa phải để ý những em học trực tuyến; có khi đang giảng bài nhưng đường truyền bỗng dưng tậm tịt, học sinh không nghe rõ lời, thầy cô lại phải tạm dừng để xử lý sự cố.

"Nhiều chuyện dở khóc dở cười xảy ra trong những ngày học trực tiếp. Chẳng hạn, chuyện giáo viên bất ngờ "lôi" ra được F0 không triệu chứng nhờ test ngẫu nhiên. Hoặc ban đầu chúng tôi dự tính treo các màn hình ngay trong lớp dạy trực tiếp để học sinh học trực tuyến.

Tuy nhiên, sau khi thử nghiệm vài ba hôm, nhà trường thấy không hiệu quả vì giáo viên vừa xử lý sự cố cùng lúc ở lớp trực tiếp và cả học sinh học online. Riêng học sinh không tập trung vì mải ngắm các bạn trên màn hình trực tuyến do vậy phải thiết kế riêng lớp dạy online", ông Tùng kể.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Lô-mô-nô-xốp: "Hiện mỗi khối có một lớp học online nhưng với tình hình F0 tăng nhanh, nhà trường có thể sẽ phải tăng tối đa lên mỗi khối có 3 lớp học trực tuyến. Nếu vậy, việc học lại trở về gần như trạng thái chủ yếu học online, bởi với cách dạy như hiện nay, giáo viên rất căng, hầu như không có thời gian nghỉ giữa giờ. Đặc biệt, nếu giáo viên "dính" F0 thì sẽ thiếu giáo viên".

Còn theo thầy Bình, trường này đang dạy trực tiếp và học sinh học online theo dõi bài giảng cùng lúc với các bạn ở lớp.

"Chúng tôi không thiết kế lớp dạy riêng cho học sinh học trực tuyến vì tỉ lệ học sinh đi học trực tiếp khá cao. Do vậy, trong tình huống bất khả kháng như hiện nay, nhà trường mong muốn học sinh học trực tuyến phải nâng cao tính tự giác, theo dõi bài giảng cùng các bạn ở lớp qua thiết bị trực tuyến", thầy Bình cho biết.

Trả lời PV Dân trí về vấn đề xử lý khi phát hiện có ca F0 tại lớp, trước đó ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, theo quy trình xử lý được quy định tại Hướng dẫn liên ngành của Sở GD-ĐT, Sở Y tế Hà Nội, khi phát hiện trường hợp học sinh là F0 tại lớp, giáo viên tạm dừng việc giảng dạy, tạm thời cách ly học sinh tại chỗ, báo cáo Ban Giám hiệu và triển khai các bước tiếp theo, trong đó có việc xác định các trường hợp tiếp xúc gần.

Theo hướng dẫn này, chỉ có trường hợp F0 được đưa đi cách ly để điều trị, các trường hợp F1 thực hiện cách ly tại nhà.

Nguồn thông tin: Theo báo điện tử Dân trí