Cách tạo hứng thú học tập cho trẻ hiệu quả mà bố mẹ nên biết

Cách tạo hứng thú học tập cho trẻ đúng đắn sẽ vừa giúp các con nâng cao được hiệu suất học vừa làm cho những giờ học trở nên thoải mái hơn. Bên cạnh đó, tư duy và suy nghĩ của trẻ sẽ được phát triển tốt hơn khi các con cảm thấy hứng thú với việc học. Vậy làm thế nào để tạo ra hứng thú học tập cho trẻ? Chúng ta hãy cùng nhau theo dõi bài viết dưới đây để tìm ra được câu trả lời cho riêng mình nhé. 

Cách tạo hứng thú học tập cho trẻ hiệu quả là gì?

Học tập có kế hoạch và lộ trình phù hợp

Việc học tập là một quá trình dài. Chính vì thế, để đạt được mục tiêu cuối cùng thì bố mẹ cần hỗ trợ con vạch ra một kế hoạch phù hợp cho việc học. Điều này giúp quá trình học trở nên có định hướng, các con cũng vì thế mà biết được mình cần phải làm gì để đạt được mục tiêu đã đặt ra.

 

Bố mẹ nên chia ra thành từng lộ trình nhỏ và đặt các mục tiêu vừa sức để không tạo ra cho trẻ cảm giác chán nản với việc học tập. Kế hoạch học tập phải lấy chính các con làm trung tâm, phù hợp với đặc điểm tâm lý và năng lực của trẻ. 

Phương pháp học tập sáng tạo, không gây nhàm chán

Đối với trẻ, phương pháp học tập mang ý nghĩa quyết định đến việc tiếp nhận kiến thức. Do đó, nếu các bậc phụ huynh muốn trẻ có cảm hứng học tập thì cần phải hỗ trợ con học theo các phương pháp sáng tạo. 

 

Chẳng hạn như tranh ảnh, video là những thứ tác động khá lớn đến khả năng ghi nhớ của bộ não. Do đó, bố mẹ trong quá trình hỗ trợ con học tập không nên nói quá nhiều nội dung kiến thức mà thiếu đi các ví dụ minh họa.

 

Ngoài ra, bố mẹ có thể xen kẽ những buổi học kiến thức nặng nề bằng những hoạt động vừa học vừa chơi. Các hoạt động này vừa giúp cho trẻ tiếp thu kiến thức tốt hơn, vừa rèn luyện được cho con những kỹ năng sống cần thiết. 

 

 

Cách tạo hứng thú học tập cho trẻ rất được bố mẹ quan tâm

Thường xuyên cổ vũ, động viên các con

Trong quá trình học, ngay cả khi trẻ chỉ đạt được những thành tựu nhỏ bố mẹ cũng nên dành cho con lời động viên. Không ít bố mẹ cho rằng khi dành những hành động khen ngợi sẽ khiến các con trở nên chủ quan hơn với thành tựu của mình.

 

Thế nhưng thực tế đã chứng minh, sự công nhận, lời khen từ bố mẹ sẽ là động lực to lớn để giúp trẻ hoàn thiện việc học tốt hơn. Đây cũng là biểu hiện của sự tôn trọng mà các bậc phụ huynh dành cho con. Tuy nhiên, bố mẹ cũng cần phải biết cách khen ngợi. Sự khen ngợi chỉ là những lời cổ vũ từ bố mẹ, không đi kèm các phần thưởng về vật chất. Việc bố mẹ đưa ra các phần thưởng cho con sẽ khiến trẻ nghĩ rằng việc học tập tốt không phải đến từ suy nghĩ của bản thân. 

Không gây áp lực cho trẻ

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ học tập thiếu hiệu quả đến từ áp lực của bố mẹ. Không ít bố mẹ thường đưa ra những kỳ vọng về điểm số, thành tích bài kiểm tra cho các con. 

 

Điều này khiến cho trẻ có suy nghĩ rằng việc học tập là để đạt được kỳ vọng của bố mẹ. Trẻ không tự ý thức được rằng học tập là để cho mình, phục vụ cho tương lai và công việc mai sau. 

 

Hơn nữa, khi các con không đạt được kỳ vọng như mong muốn thì bố mẹ sẽ chê bai, so sánh khiến cho trẻ tự tin và không còn hứng thú với việc học tập nữa. 

Tạo không gian học tập sáng tạo, thoáng đãng

Không gian học tập chi phối khá lớn đến việc tiếp nhận và ghi nhớ kiến thức của con. Nếu học tập trong không gian chật chội, thiếu ánh sáng thì hiệu quả học tập sẽ kém hơn. Chính vì thế, bố mẹ nên hỗ trợ con bày trí và sắp xếp không gian học sao cho hiệu quả. 

 

Tùy theo giới tính và độ tuổi của con mà bố mẹ sẽ có những cách bày trí khác nhau. Tuy nhiên không gian học phải đảm bảo được ba yếu tố đó là: đủ ánh sáng, gọn gàng và không có quá nhiều đồ dùng chi phối đến sự tập trung của trẻ.

 

Khi không gian học tập của các con trở nên phù hợp thì hiệu suất học tập sẽ được tăng cao. Đây cũng là một trong những cách tạo hứng thú cho các con học tập được khá nhiều bố mẹ sử dụng.

 

 

Không gian học tập chi phối đến cách tạo hứng thú học tập cho trẻ

Tạo ra các hoạt động vừa học vừa chơi

Các hoạt động vừa học vừa chơi giúp trẻ gia tăng sự tự tin và thoải mái trong vấn đề học tập. Đôi khi bố mẹ còn rất băn khoăn rằng giảng bài rất nhiều mà con không hiểu, đã thế lại có thái độ chán nản với việc học. Đây là biểu hiện của việc con đang thiếu hứng thú với phương pháp dạy. 

 

Thay đổi một chút suy nghĩ của bố mẹ, khi không ít bậc phụ huynh cho rằng phải giảng giải nội dung kiến thức thì mới bám sát được với chương trình học. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các hoạt động trên rất cần thiết đối với trẻ. 

 

Ví dụ như việc làm thế nào để nấu ra một bữa ăn ngon, làm thế nào để trồng cây và thu hoạch quả. Đây là những ví dụ điển hình cho kiến thức thực tiễn mà bản thân các con rất cần cho cuộc sống. Ngoài ra, chúng còn là những việc làm khiến cho các con hiểu hơn về công việc và những thứ cần làm trong tương lai. 

 

Bố mẹ cần phải để cho con biết rằng những kiến thức mình học sẽ ứng dụng như thế nào trong đời sống. Hiểu được mục đích thì mới có thể khiến các con biết được ý nghĩa thực sự của học tập không chỉ dừng lại ở điểm số.

Đưa ra thời gian học tập hợp lý

Nhiều bậc phụ huynh thường có suy nghĩ khuyến khích con học thật nhiều, học mọi thời điểm, mọi không gian và tưởng rằng ngồi bàn học càng lâu thì trẻ sẽ học được càng nhiều thứ. Tuy nhiên thực tế không phải như vậy. 

 

Bố mẹ cần phải phân chia cho trẻ thời gian học tập sao cho hợp lý. Không phải là bản thân các con đang cảm thấy vô cùng căng thẳng thì lại bắt trẻ học bài. Điều này gây ra sự ức chế và làm mất đi sự tự giác đối với các con. 

 

Rất nhiều bạn mặc dù dành tương đối ít thời gian cho việc học. Thế nhưng bất cứ khi nào ngồi vào học bài là dành sự tập trung cao độ. Điều này còn hiệu quả hơn gấp nhiều lần so với việc học tập thiếu kế hoạch và không hợp lý.

Để trẻ tự do phát triển suy nghĩ của mình

Suy nghĩ, tư duy phản biện của trẻ là một trong những việc làm mà các bậc phụ huynh cần giúp trẻ hình thành. Một đứa trẻ cần phải biết được mình muốn gì, quan điểm của bản thân như thế nào và làm sao để bảo vệ được quan điểm của mình. 

 

Không phải bố mẹ là người lớn, nói bất kỳ điều gì cũng đúng. Kể cả các con cũng sẽ có quan điểm của riêng mình. Chính vì thế, tôn trọng trẻ là cách để các con nhìn nhận vấn đề tốt hơn. Do đó, bố mẹ nên để trẻ được tự do bày tỏ quan điểm của mình. Việc làm này vừa khiến cho phụ huynh hiểu con hơn, vừa giúp các con có thêm hứng thú học tập.

 

 

Để trẻ tự do phát triển suy nghĩ của mình sẽ giúp con gia tăng hứng thú học tập

 

Bài viết trên đã chỉ ra một số cách tạo hứng thú học tập cho trẻ em hiệu quả. Hy vọng những thông tin bổ ích trên sẽ phần nào giúp bố mẹ khơi dậy được đam mê học tập của các con. Từ đó nâng cao được hiệu suất và sự tự giác trong học tập. Chúc các bạn thành công!