Phương pháp ôn thi đại học môn toán cho người mất gốc

Lớp 12 là thời điểm kỳ thi THPT Quốc gia đã cận kề. Tuy nhiên, những học sinh mất gốc môn toán vẫn chưa biết làm thế nào để đạt được mục tiêu mà mình mong muốn. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cách ôn thi đại học môn toán dành cho học sinh mất gốc được nhiều người học áp dụng và đã thành công.

Ôn thi đại học môn toán cho người mất gốc

Ôn tập từ kiến thức cơ bản

Trong quá trình học sinh mất gốc môn toán ôn tập, việc bắt đầu từ những kiến thức cơ bản rất quan trọng. Một phần vì hiện nay trong đề thi đã bắt đầu có phần lý thuyết, một phần nếu không học lý thuyết thì cũng sẽ không làm được bài tập.
Khi bắt đầu học, đừng vội sưu tầm những bài toán trong đề thi hay bất kỳ ở đâu, hãy làm từ những bài tập trong sách giáo khoa, sách bài tập một cách thật thuần thục. Chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản, bạn đã có thể có được 7 điểm toán trong tay. Sau đó, chúng ta mới bắt đầu tìm thêm các bài toán gần giống với chuyên đề mình vừa ôn tập để luyệ thêm
Khi làm chắc những phần cơ bản rồi, mới bắt đầu dần dần nâng cao độ khó của bài toán lên để đạt mục tiêu điểm môn toán cao hơn. 

Ôn tập từ những dạng bài dễ đến khó trong đề thi

Học sinh thông qua đề thi minh họa cần nắm chắc được các dạng bài sẽ có trong đề thi. Sau đó, xác định chuyên đề dễ trong bài thi đại học. Thông thường, các câu dễ sẽ nằm trong phần mũ - logarit, cấp số cộng - cấp số nhân, hàm số...
Đối với các bài dạng vận dụng và vận dụng cao nên để sau học, học chắc các bài dễ. Những dạng bài khó trong đề thi là: phương trình, bất phương trình, hình Oxyz… 
Trong các chuyên đề học, phần hàm số, mũ - logarit, hình Oxyz là những phần chiếm số lượng câu hỏi nhiều nhất, chính vì thế chúng ta nên học kỹ những phần này.
 

Người mất gốc toán cần ôn tập nhiều dạng bài trong đề thi đại học

Xây dựng mục tiêu và phương pháp học tập riêng cho mình

Lớp 12 bắt đầu có cho mình các bài thi thử tại trường, hãy làm bài một cách thật nghiêm túc và xem nó như một lần tập duyệt cho thi đại học. Thông qua những lần như thế, chúng ta có thể biết được năng lực học của mình ở đâu và mình đang yếu kém chỗ nào. Từ đó đặt cho mình một mục tiêu phù hợp mà mình có thể cố gắng được. 
Sau khi có cho mình được đích đến thích hợp, hãy xây dựng phương pháp học tập cho bản thân. Ví dụ như: 
  • Học bắt đầu từ chuyên đề nào? Mỗi chuyên đề học trong thời gian bao lâu?
  • Một ngày dành bao nhiêu thời gian để học? Bắt đầu và kết thúc lúc mấy giờ?
  • Trong quá trình học tham khảo tài liệu ở đâu?
  • Nếu không hiểu hoặc không biết làm bài tập thì nên hỏi ai?
Lưu ý, chúng ta nên lập kế hoạch học tập càng chi tiết càng tốt. Điều này mang đến chất lượng tốt cho việc ôn luyện của học sinh mất gốc môn toán.

Thay đổi cách tư duy

Vài năm trở lại đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã áp dụng hình thức khác với trước đó là thi trắc nghiệm. Do đó, cách tư duy và trình bày của học sinh cũng cần phải thay đổi. Những năm trước, một bài toán khi được giải ra phải đầy đủ trình tự, từng bước. Hiện nay với cách thi này chỉ cần quan tâm đến kết quả chính xác.
Chúng ta cần phải học cách làm thế nào để giải được bài toán nhanh, tiết kiệm thời gian nhất. Khi bắt đầu ôn tập không cần phải làm bài giải quá dài dòng, chỉ viết những bước cần thiết. Điều này giúp học sinh mất gốc môn toán khi đi thi có thể áp dụng cách làm như lâu nay vẫn học, không cần phải tự thu gọn các bước giải. 

Tham khảo từ các khóa học và internet

Hiện nay, ngoài cách tự ôn tập, học sinh có thể tham gia vào các khóa học. Lợi ích của việc này là giúp những học sinh mất gốc môn toán tìm được những người có thể hướng dẫn mình cách học tỉ mỉ, hiệu quả và hỗ trợ khi cần. Bên cạnh đó, việc được học cùng những người có chung trình độ và mục tiêu cũng giúp bản thân tự tin và thoải mái hơn. 
Bên cạnh đó, các thông tin, dạng đề, bài toán trên internet hiện nay cũng rất đa dạng. Nếu biết cách và không lạm dụng vào nó quá nhiều thì sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho việc học của bản thân.

Phương pháp làm bài môn toán thi đại học cho học sinh mất gốc

Sử dụng máy tính để tiết kiệm thời gian

Hiện nay, để tiết kiệm thời gian cho học sinh làm bài thi trắc nghiệm, các hãng máy tính như Casio, Vinacal đã cho ra đời các chức năng có thể giúp tính toán nhanh. Ví dụ như: hàm số, logarit, nguyên hàm, phương trình, số phức…
Tuy rằng không phải tất cả các câu trong đề thi đều có thể giải được bằng máy tính, tuy nhiên để tối ưu hóa thời gian làm bài, những câu nào có thể sử dụng được hãy dùng. Thời gian còn lại để dành làm các câu khó hơn.
 
 
Học toán bằng máy tính rất cần thiết của học sinh mất gốc môn toán lớp 12
 
Thời gian cho bài thi THPT Quốc gia môn toán là 90 phút với 50 câu. Trung bình một câu giải trong vòng tối đa bao nhiêu 1.8 phút. Thời gian này đối với các bài ở mức vận dụng và vận dụng cao là không đủ, chính vì thế đối với các câu dễ và bấm được máy tính phải làm nhanh hơn dành thời gian cho các câu khó.

Làm bài thi theo thứ tự từ dễ đến khó

Trong đề thi THPT Quốc gia môn toán, thứ tự các câu được sắp xếp từ dễ đến khó. Dựa vào mục tiêu về điểm số mà mình mong muốn, hãy cố gắng làm đúng số câu để đạt được điểm đó. 
Ví dụ: mục tiêu của bạn là đạt điểm khá tức là trong khoảng 7 - 8 điểm, bạn cần phải làm đúng chính xác từ 35 - 40 câu. Thông thường, 35 câu đầu sẽ là những câu dễ để lấy điểm nhất. Chính vì thế, cần làm nhanh và đảm bảo được độ chính xác.  
Các câu sau sẽ ở mức độ khó hơn, cần nhiều thời gian hơn. Do đó, những học sinh mong đạt được 9 - 10 điểm sẽ phải nắm được kiến thức chắc hơn, tiết kiệm thời gian ở những câu dễ nhưng vẫn phải chắc chắn đúng.

Các lưu ý khi làm bài thi đại học môn toán dành cho học sinh mất gốc

- Sau khi nhận được đề, hãy đọc lướt qua một lượt và tính toán thời gian làm bài hợp lý cho từng dạng toán.
- Làm đến câu nào phải chắc câu đấy, cố gắng lấy được điểm trọn vẹn các câu dễ. Trong quá trình giải toán ra nháp, khi hoàn thành hãy tô luôn vào phiếu trả lời tránh mất thời gian đồng thời giúp chúng ta không tích sai đáp án.
- Bài thi THPT Quốc gia môn toán bắt buộc phải tô đáp án bằng bút chì. Điều này thuận lợi khi làm sai chúng ta có thể sửa. Tuy nhiên, hãy chú ý tẩy sạch khi sai bởi vì bài thi sẽ do máy chấm, nếu không xóa hết, máy sẽ mặc định câu đó mình lựa chọn hai đáp án và không chấm điểm cho mình.
- Sau khi làm xong tất cả các bài mình đã được ôn luyện, đối với các câu không biết cách làm hãy dùng phương pháp loại trừ để khoanh bừa sao cho không được để trống bất kỳ đáp án nào.
- Trước khi đến giờ nộp bài, hãy soát lại bài thi một cách cẩn thận.
 
 
Bài thi được làm bằng bút chì dưới dạng thức trắc nghiệm
 
Bài viết trên đã cung cấp cho học sinh mất gốc môn toán phương pháp để ôn thi, làm bài thi đại học hiệu quả cùng với đó là những lưu ý. Các bạn có thể tham khảo các cách trên để ôn tập tìm lại gốc môn toán cho mình. Chúc các bạn ôn tập hiệu quả và đạt kết quả cao!