Những tố chất cần thiết đối với một gia sư

Làm gia sư là công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao đối với các bạn sinh viên. Tuy nhiên, để trở thành một gia sư được học sinh, phụ huynh yêu quý và hơn nữa để trở thành một gia sư giỏi thì đòi hỏi nhiều tố chất. Rất may, những tố chất đối với một gia sư đều có thể rèn luyện và bổ sung trong quá trình đi dạy. Dưới đây là những tố chất và kỹ năng cần quan tâm đối với một gia sư. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết Kiến thức của một gia sư giỏi để bổ sung thông tin nhé.

Vững kiến thức

Chắc chắn rằng điều kiện cần để có thể trở thành một gia sư là bạn phải vững kiến thức mà mình muốn dạy. Tùy theo việc bạn nắm chắc kiến thức đến đâu mà bạn nên lựa chọn lớp gia sư phù hợp với việc đó. Nếu bạn mới thi đại học xong và đạt điểm cao trong kỳ thi đại học, bạn có thể lựa chọn trở thành gia sư ôn thi đại học. Nếu bạn giỏi ngoại ngữ và có kinh nghiệm học ngoại ngữ, bạn có thể đi dạy tiếng Anh, tiếng Nhật. Nếu bạn nắm vững kiến thức cấp 2, bạn có thể đi dạy gia sư cho các em cấp 2. Lưu ý rằng việc làm gia sư cho phép bạn sử dụng tài liệu để dạy học cho học viên nên quan trọng nhất là bạn nắm được bản chất kiến thức để truyền đạt chứ không nhất thiết phải nhớ tất cả các kiến thức.

Vững kiến thức là điều kiện cần để trở thành một gia sư

Rèn luyện khả năng truyền đạt

Có kiến thức rồi thì phải có khả năng truyền đạt, nếu không sẽ không có cách nào giúp học sinh hiểu bài cả. Bạn cần rèn luyện cách diễn đạt và truyền đạt vấn đề sáng sủa, mạch lạc và có logic. Có nhiều sách vở và video giúp các bạn gia sư rèn luyện kỹ năng truyền đạt. Thông thương, chúng ta có thể chọn cách diễn đạt diễn dịch hoặc chọn cách quy nạp cho một vấn đề cần truyền đạt. Dù chọn cách nào thì mục tiêu cao nhất là giúp học viên của mình hiểu rõ vấn đề mà mình đang truyền đạt.

 Làm gia sư đòi hỏi bạn phải có khả năng truyền đạt tốt

Học cách lập giáo án

Để có thể giảng dạy được thì bên cạnh kiến thức và khả năng truyền đạt bạn cần có một giáo án cụ thể. Mức độ chi tiết của giáo án tùy thuộc vào môn dạy và mục tiêu dạy học của bạn. Dù đơn giản hay phức tạp thì giáo án cũng phải chỉ ra một buổi dạy sẽ được tổ chức như thế nào và kiến thức nào sẽ được truyền đạt trong buổi dạy. Bạn có thể xem thêm bài viết Một buổi dạy gia sư diễn ra như thế nào? Để có kế hoạch tổ chức một buổi dạy của mình phù hợp.

Tư cách đạo đức tốt

Tất nhiên rồi, việc làm gia sư cũng là làm thầy là người truyền đạt con chữ. Nếu chúng ta không có tư cách đạo đức tốt thì không thể làm gương cho học viên và giúp học viên tiến bộ. Không bậc phụ huynh nào muốn con em mình tiếp xúc với một người có tư cách đạo đức không tốt chứ chưa nói đến việc dạy dỗ, truyền đạt kiến thức. Vì vậy, hãy luôn giữ cho mình một tư cách đạo đức tốt. Tư cách đạo đức tốt thể hiện ra ngoài là sự lễ phép, nhã nhặn, lịch thiệp. Ở bên trong, tư cách đạo đức tốt là những suy nghĩ tốt đẹp, trong sáng, hướng thiện. Rèn luyện và giữ gìn tư cách đạo đức tốt là việc làm thường xuyên và cần thiết dù cho bạn có làm bất cứ công việc nào đi nữa. 

Rèn luyện tính kiên nhẫn

Trong cuộc đời gia sư bạn có thể gặp những học sinh giỏi, nhanh nhẹn và ngoan ngoãn. Tuy nhiên số học sinh học kém, nghịch ngợm và lười biếng sẽ còn nhiều hơn. Vì vậy, tính kiên nhẫn là một trong những phẩm chất quan trọng để công việc gia sư của bạn có thể tiến triển tốt. Kiên nhẫn có nghĩa là bạn không ngại làm đi làm lại một công việc đến khi công việc đạt được kết quả tốt nhất có thể hoặc bạn không ngại một công việc kéo dài và có phần gian khổ. Dù thế nào đi nữa, kiên nhẫn là một đức tính tốt mà bất kỳ công việc nào cũng cần đến.

Thấu hiểu tâm lý học sinh

Yếu tố cuối cùng để trở thành một gia sư tuyệt với là có thể thấu hiểu tâm lý học sinh. Thấu hiểu tâm lý học sinh giúp bạn tìm ra những nút thắt và mở nút thắt để giúp các em tiến bộ. Bạn có thể tìm đọc một số tài liệu về tâm lý từng lứa tuổi hoặc có thể vận dụng kinh nghiệm về khoảng thời gian bạn đã từng trải qua để thấu hiểu tâm lý học sinh của mình. Việc thấu hiểu tâm lý giúp bạn chia sẻ được các vấn đề ngoài học tập với các em và trở thành một người bạn với các em, nơi các em sẵn sàng chia sẻ và tâm sự các vấn đề cá nhân của các em.

Chúng ta vừa đi qua 6 yếu tố quan trọng của một gia sư giỏi. Những yếu tố này đều có thể rèn luyện để trở nên chuyên nghiệp và thuần thục. Hãy dành thời gian để nâng cấp bản thân và trở nên chuyên nghiệp trong bất cứ công việc nào các bạn sẽ làm nhé.