6 điều mọi phụ huynh cần lưu ý khi giúp trẻ làm bài tập tiếng anh

Đối với bộ môn Tiếng Anh, người học không chỉ cần những giáo viên có kiến thức chuẩn, mà chính bản thân cũng phải chăm chỉ, luyện tập thường xuyên mới đạt được sự tiến bộ rõ rệt. Trẻ em trong giai đoạn từ 5 - 7 tuổi, khi lần đầu tiếp xúc với tiếng anh thường dễ chán nản vì đây không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ cùng với từ vựng nhiều, cách phát âm khó. Để tránh tình trạng con dễ chán, dễ bỏ cuộc trong quá trình học tiếng anh, bố mẹ nên dành thời gian giúp con làm bài tập tiếng anh không chỉ để củng cố kiến thức cho bé, mà còn cải thiện khả năng nghe - nói tốt hơn khi có người ôn luyện cùng.

Phụ huynh giúp con làm bài tập về nhà tiếng anh

Phụ huynh giúp con làm bài tập về nhà tiếng anh

 

Tuy nhiên, khi làm bài tập tiếng anh cùng trẻ, bố mẹ cần lưu ý 6 điều sau để để đạt được kết quả học tập tốt nhất.

 

1. Giúp trẻ làm bài tập không có nghĩa là làm hộ trẻ

Bố mẹ cần phân biệt thật rõ giữ giúp trẻ làm bài tập tiếng anh và làm hộ trẻ bài tập tiếng anh. Đôi khi những bài tập có lượng từ mới nhiều, khó nhớ, dễ lẫn lộn, bé có thể sẽ làm sai, làm sót là tình huống hoàn toàn có thể xảy ra. Những lúc như vậy, bố mẹ có thể đưa ra một vài gợi ý nho nhỏ, giúp con phân biệt được từ này và từ kia (chẳng hạn như từ Angle = góc và từ Angel = Thiên thần), giải thích cho bé sự khác nhau về cách sắp xếp các chữ trong từ, ý nghĩa của từ. Thay vì chỉ ra luôn cho con đâu là đáp án, hãy đưa cho con những gợi ý để bé tự khám phá sẽ tránh được sự ỷ lại của bé vào bố mẹ khi giúp con làm bài tập nhiều hơn.

 

2. Kiên nhẫn dành thời gian cho trẻ mỗi ngày

Dù có bận rộn như thế nào, cố gắng dành cho con 1 - 2 tiếng để giúp con làm bài tập về nhà là cách để bố mẹ sát sao với việc học tập của con ở trên lớp. Có đôi khi, bài về nhà quá nhiều, từ vựng quá khó, trẻ sẽ chán nản và không muốn làm mặc dù đã ngồi cả tối trên bàn học. Nếu như trong trường hợp đó, bố mẹ không kiên nhẫn và nắm bắt được tâm lý của con sẽ càng gây nên áp lực cho việc làm bài tập tiếng anh.

 

3. Vừa làm bài tập vừa ôn luyện cùng với trẻ

Có nhiều trẻ ghét làm bài tập tiếng anh về nhà chủ yếu là vì chúng bị cha mẹ ép buộc quá nhiều, yêu cầu quá cao khiến trẻ muốn chống đối và mất đi niềm yêu thích trong việc học tiếng anh. Chính vì vậy, thay vì yêu cầu trẻ phải học thuộc lòng, hãy cùng bé học cuốn chiếu mỗi khi hoàn thành xong 1 bài tập. Làm như vậy, kiến thức bé vừa học được sẽ không bị lãng quên nhanh chóng. Trong khi làm bài tập tiếng anh cùng trẻ, bố mẹ sẽ dễ dàng nhận ra điểm yếu của con để hỗ trợ, cùng con khắc phục.

 

4. Luyện tập các bài tập tương tự

Không chỉ dừng lại ở việc làm bài tập tiếng anh cùng trẻ, bố mẹ có thể tìm kiếm thêm các bài tập từ vựng, ngữ pháp...tương tự để bé rèn luyện thêm. Tiếng anh là một bộ môn ngôn ngữ mới, nếu chỉ dừng lại ở việc học trên lớp, và làm bài tập do thầy cô giáo giao cho mà không chăm chỉ luyện tập thêm, kỹ năng tiếng anh của bé sẽ không tiến đến được sự cải thiện rõ rệt.

 

5. Khuyến khích con tự giác làm bài tập chứ không bắt ép

Đối với những đứa trẻ không thích làm bài tập tiếng anh về nhà, cụm từ này sẽ khiến trẻ thấy chán nản và không muốn bắt tay vào việc học. Thay vì thế, bố mẹ hãy lựa chọn những từ ngữ, cách nói thú vị hơn. Thay vì nói 'đến giờ làm bài tập về nhà', hãy nói với con rằng đã đến giờ 'khám phá nước Anh' hay 'làm việc lớn”...

Các bé sẽ cảm thấy việc học nhẹ nhàng và thú vị hơn.

 

6. Tạo động lực giúp con làm bài tập

Thường cha mẹ sẽ nghĩ con không làm bài tập vì con lười. Thật ra điều này là vì trẻ thiếu động lực làm bài. Nếu trẻ có mục tiêu cụ thể và rõ ràng và có sự định hướng đúng đắn, thì dù bài tập có khó mấy trẻ cũng sẽ có cách giải quyết. Một phần quà nhỏ, một lời hứa có thể giúp bé thêm năng lượng giải quyết bài tập về nhà. Nhưng, không nên lạm dụng quà tặng để bé coi việc học trở thành một cách để bé kiếm thêm đồ chơi, kiếm thêm thu nhập, mà không phải là học để tốt cho bản thân của mình.